Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả những chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp.
Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai hiệu quả những chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động (NLĐ) đang làm việc trong các doanh nghiệp. Qua đó, giúp NLĐ bổ sung kiến thức mới, nâng cao tay nghề.
Nhiều người lao động được nâng cao tay nghề
Gần 1 tháng qua, sau khi hết giờ làm việc, hơn 100 lao động của Công ty Cổ phần Quốc tế Biển Xanh (Nhà hàng bia tươi Louisiane, phường Lộc Thọ, TP. Nha Trang) lại tới lớp học do Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang mở ngay tại công ty. Chị Nguyễn Hoài Niệm, nhân viên công ty cho biết: “Tôi làm việc ở đây đã 15 năm, môi trường làm việc thường xuyên phải giao tiếp với khách hàng, nhất là người nước ngoài. Do vậy, khi công ty phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở lớp đào tạo nghề ứng dụng công nghệ thông tin và nghiệp vụ nhà hàng, tôi đăng ký tham gia ngay. Qua gần 1 tháng học, tôi đã được các giảng viên truyền đạt những kiến thức, kỹ năng nghề rất bổ ích. Đặc biệt, việc vừa học vừa được ứng dụng thực tế tại đơn vị đã giúp tôi nắm bắt kiến thức nhanh”.
Thông qua chương trình đào tạo đã giúp NLĐ trang bị những kiến thức cơ bản như: Tâm lý giao tiếp và kỹ năng ngoại giao; marketing và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh; tiếng Anh chuyên ngành nhà hàng; nghiệp vụ nhà hàng... Phương pháp đào tạo là dạy tích hợp giữa lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính và gắn với thực tế sản xuất, kinh doanh; sử dụng phương tiện hiện đại và công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng hiệu quả dạy và học… Lãnh đạo Công ty Cổ phần Quốc tế Biển Xanh cho biết, chương trình rất cần thiết và bổ ích, không chỉ giúp NLĐ nâng cao nghiệp vụ, ứng dụng vào công việc hàng ngày, mà qua đó còn nâng cao uy tín, vị thế của đơn vị, thu hút du khách đến nhà hàng và giúp nâng cao thu nhập cho chính NLĐ.
Gần 30 lao động làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Quảng bá sản phẩm và Nhà hàng Yến sào Khánh Hòa vừa mới tốt nghiệp lớp dạy nghề nghiệp vụ bếp, do Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa đào tạo. Anh Lê Văn, nhân viên bếp của công ty chia sẻ: “Qua lớp đào tạo, chúng tôi được cập nhật nhiều kiến thức, kỹ năng chế biến các món Á, Âu để phục vụ khách hàng. Mong rằng, chương trình hỗ trợ đào tạo miễn phí như vậy sẽ tiếp tục được duy trì và mở rộng để có nhiều NLĐ được tiếp cận, góp sức nâng cao chất lượng du lịch, dịch vụ tại Khánh Hòa”…
Đẩy mạnh chính sách hỗ trợ đào tạo
Năm 2022, nhu cầu hỗ trợ đào tạo của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là 775 lao động. 6 tháng đầu năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện hỗ trợ đào tạo cho 243 lao động làm việc ở các nghề may, du lịch, cơ khí - hàn, mộc, tin học. |
Thực hiện Nghị quyết 68 ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Sở LĐ-TB-XH đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các quyết định và xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đẩy mạnh việc tuyên truyền, triển khai chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng phương án, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của các đơn vị; xây dựng cẩm nang hướng dẫn đào tạo. Qua đó, chính sách đã thu hút được các doanh nghiệp đăng ký tham gia. Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, sở đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho 7 doanh nghiệp với 304 NLĐ, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng. Các doanh nghiệp được hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho NLĐ đều đánh giá cao hiệu quả của chính sách.
Bên cạnh đó, Sở LĐ-TB-XH còn tích cực triển khai Thông tư 32 ngày 26-12-2018 của Bộ LĐ-TB-XH về hướng dẫn việc hỗ trợ đào tạo nghề đối với lao động đang làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hàng năm, sở đều thực hiện khảo sát nhu cầu hỗ trợ đào tạo của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, phân loại hình doanh nghiệp để giao nhiệm vụ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối mở lớp đào tạo theo yêu cầu của các đơn vị.
Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, những chính sách hỗ trợ đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho NLĐ đang làm việc trong các doanh nghiệp rất cần thiết và hiệu quả. Qua đào tạo đã giúp NLĐ cập nhật kiến thức mới, đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời giúp nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm, thu nhập cho NLĐ. Từ những chính sách nói trên đã góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đạt 81,5%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27,15%. Do vậy, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho NLĐ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, địa phương…
VĂN GIANG