09:08, 28/08/2022

Chú trọng phát triển thị trường lao động

Những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.

Những năm qua, các cấp, ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp phát triển thị trường lao động; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động.


Đẩy mạnh đào tạo nghề, giới thiệu việc làm


Để nâng cao chất lượng lao động, các cấp, ngành đã tập trung triển khai chính sách đào tạo nghề. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư, phát triển đa dạng ngành nghề, đáp ứng nhu cầu của người học. Để thu hút lao động học nghề, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả công tác giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ đào tạo nghề ở các cấp trình độ cho người lao động; tăng cường công tác phối hợp tuyên truyền tuyển sinh. Nhờ đó, đến hết tháng 7-2022, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp cho 18.153 người, đạt 61,54% kế hoạch. Qua đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến tháng 7 đạt 81,6%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 27,18%.

 

Kết nối việc làm cho người lao động huyện Diên Khánh thông qua phiên giao dịch việc làm.

Kết nối việc làm cho người lao động huyện Diên Khánh thông qua phiên giao dịch việc làm.


Mặt khác, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thực hiện những giải pháp gắn kết đào tạo với doanh nghiệp (DN). Qua đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị, nhất là ở các ngành, lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như: Phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho 3 vùng động lực của tỉnh. Đến tháng 7-2022, các cơ sở đào tạo đã ký kết hợp tác với 59 DN. Theo đó, các cơ sở đã tổ chức cho 200 giáo viên và 3.167 học sinh, sinh viên thực hành, thực tập tại các DN; đặt hàng đào tạo nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho 3.011 lao động tại các DN. Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề cho 304 lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1,3 tỷ đồng.


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chú trọng nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động làm việc tại các DN và nguồn cung lao động để đẩy mạnh hoạt động kết nối cung - cầu thị trường. Qua đó, đã góp phần tạo việc làm cho hơn 6.300 người. Ngoài ra, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tập trung tư vấn, giới thiệu việc làm, nhất là tổ chức các sàn, phiên giao dịch việc làm để kết nối lao động cho các DN. Tính đến đầu tháng 8, trung tâm đã tư vấn việc làm cho 10.247 lượt người; tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp cho 7.478 lượt người; giới thiệu việc làm cho 5.352 người. Qua đó, đã giúp kết nối việc làm thành công cho 1.373 người lao động. Công tác tư vấn, tuyển sinh, tạo nguồn xuất khẩu lao động cũng được đẩy mạnh. Đến nay, đã có 87 người lao động xuất cảnh đi làm việc ở Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...


Thực hiện đồng bộ các giải pháp


Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thời gian tới, ngành sẽ tập trung triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Trong đó, chú trọng gắn kết chặt chẽ đào tạo với DN và thị trường lao động. Đồng thời, tăng cường ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ trong công tác đào tạo, giải quyết việc làm; đẩy mạnh chuyển đổi số, hiện đại hóa cơ sở vật chất trang thiết bị và đổi mới chương trình, phương thức đào tạo; đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề đủ năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trước mắt, trong năm 2022, toàn ngành phấn đấu hoàn thành công tác tuyển sinh đào tạo nghề cho 29.500 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh lên 82%.


Bên cạnh đó, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội bám sát các DN để nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động để có những định hướng chính xác cho công tác đào tạo nghề; quan tâm tư vấn, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp cho người lao động; thường xuyên thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo thị trường lao động để cung ứng nhân lực kịp thời cho các DN. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền việc làm ngoài nước, chính sách hỗ trợ cho người lao động tham gia, lựa chọn và ứng tuyển.


Ngoài ra, ngành sẽ nâng cao chất lượng hoạt động của sàn và phiên giao dịch việc làm; liên kết với trung tâm việc làm của tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để kết nối, thu hút lao động, nhất là lao động có tay nghề cao phục vụ cho DN đầu tư ở các vùng kinh tế động lực của tỉnh; tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu người tìm việc - việc tìm người một cách khoa học. Đồng thời, sàng lọc, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, học nghề cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp để giúp họ sớm quay trở lại thị trường lao động...


VĂN GIANG