Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thành lập được 3 câu lạc bộ (CLB) điểm dành cho phụ nữ khuyết tật. Các CLB đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ, giúp đỡ để phụ nữ khuyết tật có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã thành lập được 3 câu lạc bộ (CLB) điểm dành cho phụ nữ khuyết tật. Các CLB đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm chia sẻ, giúp đỡ để phụ nữ khuyết tật có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Tiếp thêm ý chí và nghị lực
Trong 3 CLB điểm, CLB “Nhóm phụ nữ khuyết tật tự lực” ở xã Diên Phú (huyện Diên Khánh) là mô hình điểm do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, được triển khai tại xã vào tháng 9-2020; 2 CLB “Phụ nữ khuyết tật vươn lên chính mình” ở phường Cam Phú (TP. Cam Ranh) và xã Vạn Phước (huyện Vạn Ninh) là mô hình điểm do Hội LHPN tỉnh triển khai từ năm 2019. Theo Ban chủ nhiệm các CLB, việc thành lập mô hình nhằm hỗ trợ phụ nữ khuyết tật phát huy khả năng, năng lực của bản thân, tự tin, chủ động nắm bắt cơ hội trên các lĩnh vực để cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Bị khuyết tật ở chân từ nhỏ, chị Bùi Thị Ngọc Lan (43 tuổi, xã Diên Phú) luôn rụt rè, tự ti. Tháng 9-2019, chị được các cán bộ, phụ nữ xã vận động tham gia CLB “Nhóm phụ nữ khuyết tật tự lực”. Nhận thấy hoàn cảnh gia đình chị khó khăn, các thành viên trong CLB đã chung tay đóng góp và trao tặng chị phương tiện sinh kế là gà giống với trị giá 2 triệu đồng. Tham gia CLB, chị cảm nhận được tình cảm giữa các chị em phụ nữ khuyết tật, từ đó mạnh dạn chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống…
Từ khi tham gia CLB “Phụ nữ khuyết tật vươn lên chính mình”, chị Võ Thị Kim Hoàn (41 tuổi, phường Cam Phú) như được tiếp thêm sức mạnh, nghị lực để phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. “Tôi bị khuyết tật chân, tay từ nhỏ, vận động khó khăn nên bản thân mặc cảm, ít giao tiếp với mọi người xung quanh, chủ yếu quanh quẩn ở nhà. Thế nhưng, từ khi tham gia CLB, gặp được những người cùng cảnh ngộ, tôi không còn thấy cô đơn, tự tin hơn để làm kinh tế, ổn định cuộc sống”, chị Hoàn chia sẻ. Theo chị Nguyễn Thị Tố Thìn - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cam Phú, ban đầu, việc vận động và thuyết phục các chị em khuyết tật tham gia sinh hoạt CLB rất khó khăn. Từ khi tham gia CLB, có chị đã trở thành thành viên nòng cốt, từ đó động viên, thuyết phục những chị em khác cùng tham gia, gạt bỏ tâm lý tự ti để hòa nhập với những người đồng cảnh ngộ.
Kết nối những người khuyết tật
Hiện nay, bên cạnh nhận được sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần, thành viên của các CLB còn giúp nhau học nghề làm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ… để cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, cùng với hỗ trợ nguồn vốn vay, các CLB sẽ tập trung vào hoạt động dạy nghề để mỗi phụ nữ khuyết tật tìm hướng phát triển sinh kế phù hợp. Chị Lê Thị Thảo Vy - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Diên Phú cho biết: “Tham gia CLB, các thành viên được tập huấn kỹ năng điều hành, tổ chức hoạt động nhóm tự lực; được phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước dành riêng cho người khuyết tật; các chương trình trợ giúp để phụ nữ khuyết tật có thể tự lực trong phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình”.
Các CLB dành cho PN khuyết tật ra đời nhằm kết nối những mảnh đời khiếm khuyết; là cầu nối, tạo điều kiện để các chị có cơ hội giao lưu, học hỏi, phát triển kinh tế, trở thành người có ích cho xã hội. Đây là ngôi nhà chung giúp phụ nữ khuyết tật có thêm ý chí và nghị lực vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Bà Nguyễn Hoàng Vân Hạ - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thời gian tới, hội sẽ có hướng dẫn đến các CLB tiếp tục đổi mới nội dung sinh hoạt sát với tình hình thực tế, phù hợp với điều kiện của từng đối tượng. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật; tổ chức các hoạt động giúp thành viên CLB học nghề, tạo việc làm, nâng cao trình độ văn hóa, xã hội; giúp đỡ các thành viên tham gia các phiên giao dịch việc làm, nhằm thúc đẩy sự hòa nhập của người khuyết tật vào thị trường lao động…
THANH TRÚC