Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã triển khai các giải pháp giảm nghèo, qua đó đạt được những kết quả tích cực. Để phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025, địa phương đang khẩn trương xây dựng đề án giảm nghèo với những giải pháp, lộ trình cụ thể.
Thời gian qua, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã triển khai các giải pháp giảm nghèo, qua đó đạt được những kết quả tích cực. Để phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025, địa phương đang khẩn trương xây dựng đề án giảm nghèo với những giải pháp, lộ trình cụ thể.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Gia đình bà Nông Thị Đào (thôn A Xay, xã Khánh Nam) trước đây là hộ nghèo. Nhờ được chính quyền địa phương hỗ trợ 1ha đất sản xuất, tạo điều kiện vay 50 triệu đồng vốn tín dụng để nuôi heo nái, gà thả vườn và trồng keo, bưởi da xanh nên đã thoát nghèo. Bà Đào chia sẻ: “Ngoài được hỗ trợ vốn, đất sản xuất, gia đình tôi còn được địa phương và các ngành chức năng hướng dẫn cách làm ăn, kỹ thuật chăm bón cây trồng, chăn nuôi và hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi ban đầu. Nhờ chịu khó chăm sóc nên cây trồng, vật nuôi phát triển tốt và cho thu nhập khá. Nhờ đó, gia đình tôi đã thoát nghèo. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm chuồng trại để chăn nuôi heo thịt và gà thả vườn để tăng thu nhập”.
Theo ông Lê Đình Phùng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, đầu năm 2022, toàn tuyện có 4.625 hộ nghèo. Thời gian qua, huyện tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, tỉnh và địa phương nên đến nay, đã giảm được 206 hộ nghèo. Trong đó, huyện đã thực hiện miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho hơn 7.300 học sinh với tổng kinh phí hơn 9,9 tỷ đồng. Đồng thời, hỗ trợ ăn trưa cho hơn 200 học sinh bậc mầm non với số tiền hơn 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, huyện thực hiện cấp miễn phí 21.191 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 5.352 thẻ cho người cận nghèo và 3.490 thẻ cho người cư trú ở vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, đã tạo điều kiện cho 16.855 lượt người dân khám, chữa bệnh; hỗ trợ tiền ăn cho 9.421 bệnh nhân điều trị nội trú với số tiền hơn 421 triệu đồng.
Đặc biệt, huyện tập trung khảo sát, hỗ trợ vốn vay tín dụng chính sách cho hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã giải ngân cho 366 hộ nghèo vay hơn 17,5 tỷ đồng, 99 hộ cận nghèo vay hơn 5,2 tỷ đồng, 7 hộ mới thoát nghèo vay hơn 500 triệu đồng. Trên cơ sở nhu cầu thực tế vay vốn của từng hộ, huyện giao trách nhiệm cho các hội đoàn thể, chính quyền địa phương theo dõi, hướng dẫn cách làm ăn, đầu tư đồng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, huyện chú trọng thực hiện các chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Đến nay, địa phương đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 346 lao động, tạo điều kiện hỗ trợ cho 2 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tất cả hộ nghèo còn được huyện chi hơn 1,6 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện. Công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản cũng được huyện thực hiện hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo bớt lo đầu ra sản phẩm…
Phấn đấu thoát khỏi huyện nghèo
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, năm 2022, toàn huyện phấn đấu giảm 426 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 45,9% xuống còn 41,79% vào cuối năm. Đặc biệt, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo và sẽ thoát khỏi huyện nghèo. Thời gian tới, huyện tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế; đồng thời thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo từ sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và địa phương. Trong đó, chú trọng khảo sát, giải quyết vay vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế gia đình; tăng cường tuyên truyền, vận động, khuyến khích hộ nghèo vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chính sách của Nhà nước. Đồng thời, phân công đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ từng hộ nghèo có hướng thoát nghèo; quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, nhất là đẩy mạnh xuất khẩu lao động thông qua việc lấy gương người đi trước để vận động người cùng họ, cùng thôn, bản làm theo. Huyện mong muốn UBND tỉnh và các sở, ngành kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản cho người dân; nâng cao chính sách trợ cấp cho hộ bảo trợ xã hội…
Tại buổi làm việc mới đây về công tác giảm nghèo của huyện, ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị huyện khẩn trương hoàn thiện Đề án giảm nghèo tổng thể giai đoạn 2022 - 2025 để lấy ý kiến các sở, ban, ngành trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt. Trong đó, huyện cần chú trọng chính sách hỗ trợ đa dạng sinh kế như: Xây dựng, hỗ trợ các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rau công nghệ cao, buôn bán, chế biến nông sản…; bám sát quy hoạch, thực hiện bóc tách đất rừng sản xuất để giao cho hộ nghèo canh tác và có biện pháp cấm người dân có đất rồi đem bán. Ngoài việc hỗ trợ mô hình sản xuất, địa phương cần tập trung hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho người dân theo hướng cầm tay chỉ việc; quan tâm đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân. Các chính sách đề xuất của huyện cần sát với thực tế, phong tục, tập quán của người dân, đồng thời phải đảm bảo tăng thu nhập cho hộ nghèo, nâng cao cuộc sống. Cuối năm, địa phương thực hiện rà soát hộ nghèo phải sát thực tế; sở sẽ cử cán bộ giám sát việc khảo sát. Các cấp sẽ dành nhiều nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo của huyện. Vì vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của huyện để phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
VĂN GIANG