11:07, 07/07/2022

Đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Tại kỳ họp chuyên đề mới đây, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là chương trình), ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết:

Tại kỳ họp chuyên đề mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là chương trình), ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết:

 

Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa
Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa


Mục tiêu thực hiện chương trình nhằm thu hẹp dần khoảng cách và mức sống, thu nhập của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của tỉnh, cả nước; phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2 lần so với năm 2020, toàn tỉnh giảm 50% số xã, thôn đặc biệt khó khăn.


- Xin ông cho biết nhu cầu vốn, các nội dung đầu tư chính của chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025?


- Giai đoạn 2021 - 2025, tổng nhu cầu vốn thực hiện chương trình gần 1.022 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 698,6 tỷ đồng; ngân sách địa phương hơn 104,7 tỷ đồng; vốn tín dụng chính sách hơn 193,5 tỷ đồng; vốn huy động khác gần 25 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện chương trình sẽ được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và trong dự toán ngân sách nhà nước 2021 - 2025 từ nguồn vốn sự nghiệp.


Theo đó, các nội dung đầu tư chính của chương trình gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với phát huy thế mạnh của từng vùng, miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi; phát triển giáo dục và đào đạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển du lịch; đầu tư phát triển cho người DTTS còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, chú trọng chăm sóc sức khỏe nhân nhân, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người DTTS và phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ, trẻ em; thực hiện công tác truyền thông, tuyên truyền đối với người trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…


- Nguyên tắc, giải pháp chủ yếu để thực hiện chương trình này như thế nào, thưa ông?


- Chương trình sẽ được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, tập trung cho các xã, thôn khó khăn, ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo trong đồng bào DTTS; giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Việc thực hiện chương trình phải đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân; phát huy tinh thần nỗ lực, tự vươn lên của đồng bào DTTS. Cùng với đó, đẩy mạnh việc phân cấp cho địa phương trong xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình; đa dạng hóa nguồn lực thực hiện chương trình; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực trong triển khai chương trình…


- Xin cảm ơn ông!


HẢI LĂNG (Thực hiện)