09:11, 03/11/2021

Hoạt động vận tải đường thủy nội địa: Đi vào nền nếp

Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Giao thông đường thủy nội địa đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để quản lý, bảo đảm hoạt động vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp...

Sau hơn 15 năm thực hiện, Luật Giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ) đã tạo hành lang pháp lý vững chắc để quản lý, bảo đảm hoạt động vận tải đường thủy trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp. 
 
Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật
 
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định, từ khi Luật Giao thông ÐTNÐ có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-1-2005), công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường thủy trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức, ý thức cho chủ phương tiện, người tham gia giao thông trên tuyến ĐTNĐ. Đến nay, hoạt động vận tải thủy trên địa bàn tỉnh đã đi vào chiều sâu, bảo đảm luôn được an toàn, thông suốt.
 
Để Luật Giao thông ĐTNĐ đi vào đời sống, Sở GTVT đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức, giải pháp, như: In và cấp phát miễn phí tài liệu về pháp luật giao thông đường thủy cho đơn vị kinh doanh; in kèm các quy định của pháp luật liên quan khi thực hiện thủ tục hành chính cho đơn vị… Nhờ đó, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giao thông ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh đã được tiếp cận và hướng dẫn thực hiện các quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ.
 
 
1
Bến tàu du lịch Nha Trang.
 
 
Cùng với đó, UBND tỉnh đã công bố danh mục các tuyến ĐTNĐ địa phương thuộc phạm vi quản lý hành chính của tỉnh, qua đó giúp các phương tiện thuận lợi trong quá trình lưu thông. Các tuyến ĐTNĐ trên địa bàn tỉnh hầu hết đều nằm trong đầm, vịnh ven biển, luồng chạy tàu trùng một phần hoặc hoàn toàn với luồng hàng hải. Các tuyến đều xuất phát từ những bến đầu mối chủ yếu phục vụ khách du lịch tham quan biển đảo tại vịnh Nha Trang (bến Cầu Đá), vịnh Vân Phong (bến Vạn Giã), vịnh Cam Ranh (bến cảng Cam Ranh). Hiện nay, tại các bến đầu mối đều có cơ quan cảng vụ làm thủ tục cho phương tiện thủy nội địa nhập - xuất bến để hành trình trên các tuyến. Đến nay, tổng số phương tiện đã đăng ký hành chính trên địa bàn tỉnh là 1.142 phương tiện với tổng tải trọng 14.000 tấn, 28.500 ghế, tổng công suất 204.000CV. Hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa trên tuyến vận tải thủy nội địa đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu lưu thông của người dân và du khách.
 
Để bảo đảm Luật Giao thông ĐTNĐ được thực thi hiệu quả, bên cạnh việc tuyên truyền, Sở GTVT cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến đường thủy. Hàng năm, Thanh tra Sở GTVT lập kế hoạch và tiến hành kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải ĐTNĐ của các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, hầu hết các đơn vị đều có đăng ký ngành nghề kinh doanh vận tải hành khách bằng ĐTNĐ. Các đơn vị hoạt động tuyến cố định đã có văn bản chấp thuận tuyến hoạt động còn thời hạn; các phương tiện có đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, bảo hiểm hành khách còn hiệu lực; đa số các thuyền viên đều được ký hợp đồng lao động; trang thiết bị trên tàu tương đối đầy đủ… Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết, khi mật độ phương tiện và khách tham quan du lịch tăng cao, lực lượng Thanh tra Giao thông luôn có mặt tại các bến thủy đầu mối để kiểm tra, nhắc nhở nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên đường thủy.
 
Cần sửa đổi, bổ sung quy định
 
Tổng số bến thủy nội địa quy hoạch đến năm 2020 là 176 bến, bao gồm: 120 bến hành khách, 2 bến hàng hóa, 50 bến tổng hợp, 4 bến chuyên dùng. Tổng số tuyến ĐTNĐ của tỉnh được quy hoạch đến năm 2020 là 151 tuyến/tổng chiều dài 1.991km.
Theo lãnh đạo Sở GTVT, công tác quản lý bến thủy nội địa thực hiện theo Thông tư số 50 năm 2014 của Bộ GTVT đang có nhiều bất cập, cần phải khắc phục. Cụ thể như: Theo quy định, nếu bến thủy nội địa sử dụng phao nổi làm cầu bến phải có bản sao giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phao nổi. Tuy nhiên, trong thực tế, phao nổi sử dụng ở đây xem là phương tiện thủy nội địa không có động cơ, nếu có trọng tải từ 12 người trở xuống thì không cần phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường để hoạt động. Một số quy định về thực hiện thủ tục cho phương tiện ra, vào bến như: Lập danh sách hành khách chi tiết, nộp lại giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, danh bạ thuyền viên trước mỗi chuyến đi…, khi áp dụng trong thực tế gây khó khăn và mất nhiều thời gian đối với chủ phương tiện và cơ quan quản lý cấp giấy phép ra, vào bến, đặc biệt là tại các bến có lưu lượng phương tiện, hành khách thông qua lớn nhưng phương tiện chỉ thực hiện hành trình ngắn và nhiều chuyến trong ngày (như các bến đầu mối vận chuyển khách du lịch tại TP. Nha Trang). 
 
Ngoài ra, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cá nhân thực hiện đầu tư xây dựng các bến thủy nội địa để khai thác phục vụ riêng cho phương tiện thuộc doanh nghiệp, cá nhân đó; hoặc các bến do UBND cấp xã xây dựng phục vụ mục đích kết hợp vận tải dân sinh và đánh bắt thủy sản, số phương tiện xuất bến trong ngày rất ít. Đối với các bến này cần có quy định, hướng dẫn về quy trình cấp phép hoặc quản lý phương tiện ra vào bến riêng để chủ bến tự thực hiện nhằm giúp họ nâng cao tinh thần trách nhiệm; đồng thời tinh giảm được biên chế của lực lượng cảng vụ, ban quản lý bến…
 
THÀNH NAM