10:07, 19/07/2021

Xuất hiện bệnh viêm da nổi cục trên đàn bò

Hơn 1 tuần qua, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại một số hộ nuôi bò trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người chăn nuôi đã triển khai các giải pháp mạnh mẽ, kịp thời nhằm không để dịch bệnh lây lan.

Hơn 1 tuần qua, bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại một số hộ nuôi bò trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa). Cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và người chăn nuôi đã triển khai các giải pháp mạnh mẽ, kịp thời nhằm không để dịch bệnh lây lan.


3 xã có bò bị bệnh


Theo ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngày 12-7, lực lượng thú y huyện Khánh Vĩnh phát hiện bệnh viêm da nổi cục xuất hiện tại 7 hộ chăn nuôi bò ở 2 thôn Cà Hon và Ba Dùi, xã Khánh Bình. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện 10 con đã mắc bệnh trong tổng đàn bò 30 con của 7 hộ này.

 

Một con bê  bị bệnh  viêm da nổi cục  trên địa bàn Khánh Vĩnh.

Một con bê bị bệnh viêm da nổi cục trên địa bàn Khánh Vĩnh.

 

Hiện nay, tổng đàn trâu, bò trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh khoảng 6.660 con/2.060 hộ nuôi, trong đó có 1 trang trại nuôi tập trung hơn 1.000 con ở xã Khánh Hiệp. Tổng đàn bò tại 3 xã đang có dịch là 2.558 con/642 hộ nuôi.

 

Đến ngày 14-7, lực lượng thú y tiếp tục phát hiện 10 con mắc bệnh trong tổng đàn bò 26 con của 6 hộ (5 hộ mới và 1 hộ cũ) ở thôn Cà Hon; 1 hộ nuôi ở thôn Hòn Lay (xã Khánh Hiệp) có 3/5 con bò bị bệnh; 2 hộ ở thôn Suối Thơm (xã Khánh Đông) có 3 con mắc bệnh trong tổng đàn bò 16 con. Ngày 15-7, cơ quan thú y phát hiện thêm 7/18 con bò của 5 hộ nuôi ở các thôn: Cà Hon, Ba Dùi và Bến Khế (xã Khánh Bình) mắc bệnh. Như vậy, chỉ trong ít ngày, bệnh viêm da nổi cục đã xảy ra trên đàn bò của 20 hộ ở 5 thôn, 3 xã của huyện Khánh Vĩnh, làm 33 con mắc bệnh trong tổng số 95 con.


Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đến nay, bệnh viêm da nổi cục xảy ra tại 2.781 xã của 37 tỉnh, thành phố với tổng số hơn 89.000 con gia súc mắc bệnh, hơn 13.000 con chết và tiêu hủy. Từ tháng 6-2021 đến ngày 14-7, bệnh này đã xảy ra tại các tỉnh giáp ranh với Khánh Hòa như: Đắk Lắk, Phú Yên, Ninh Thuận. Qua điều tra dịch tễ học, nguyên nhân dẫn đến xuất hiện ổ dịch tại huyện Khánh Vĩnh do bò tiếp xúc với các phương tiện vận chuyển gia súc từ một số tỉnh lân cận đi ngang qua Tỉnh lộ 8. Mặt khác, các hộ chăn nuôi đã không sử dụng định kỳ thuốc diệt ký sinh trùng cho trâu, bò và thuốc tiêu diệt côn trùng gây bệnh như: Muỗi, ruồi, ve…; không áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong quá trình nuôi.


Khẩn trương khống chế, không để dịch lây lan

 

Bệnh viêm da nổi cục là bệnh do một loại vi rút thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò. Đường truyền vi rút chủ yếu qua côn trùng đốt hay qua việc sử dụng chung máng uống, tiếp xúc khu vực cho ăn, sữa, tinh dịch và tiếp xúc trực tiếp với trâu, bò mang mầm bệnh. Khi bị bệnh, trên da trâu, bò hình thành các nốt sần có đường kính từ 2 đến 5cm. Tỷ lệ trâu, bò mắc bệnh bị chết khoảng 1 - 5%. Thời gian ủ bệnh trung bình khoảng 4 - 14 ngày. Chưa có bằng chứng cho thấy vi rút viêm da nổi cục lây nhiễm và gây bệnh trên người.

 

Ông Lê Bá Ninh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, khi xảy ra dịch bệnh, chính quyền địa phương và thú y xã đã triển khai các biện pháp chống dịch kịp thời, nhanh chóng lấy mẫu và xác định nguyên nhân gây bệnh. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, hiện nay, tình hình thời tiết biến đổi cực đoan làm sức đề kháng của gia súc giảm, khiến bệnh gia tăng. Bên cạnh đó, có nhiều phương tiện vận chuyển gia súc lưu thông vào tỉnh. Vì vậy, nguy cơ trong thời gian tới, dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong phạm vi cả tỉnh.


Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương khẩn trương triển khai ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Trong đó, tập trung các biện pháp: Cách ly, chữa trị cho bò bị bệnh, tiêu hủy và hỗ trợ theo quy định trong trường hợp bò bị bệnh chết…; tiến hành tiêu độc khử trùng, tiêu diệt côn trùng trong môi trường chăn nuôi; tăng cường kiểm soát mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc… không để cho dịch lây lan.


Theo ông Lê Thắng, lực lượng thú y các cấp đang cùng với các địa phương kiểm tra, giám sát; phát hiện và xử lý kịp thời ổ dịch; hướng dẫn và hỗ trợ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò của các hộ chăn nuôi trên địa bàn.


Hồng Đăng