10:05, 19/05/2021

Triển khai đợt cao điểm phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư, hộ gia đình

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đợt cao điểm phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong khu dân cư, hộ gia đình. Trao đổi về nội dung này, Trung tá Đường Trung Thành - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Công an tỉnh cho biết...

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đợt cao điểm phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong khu dân cư, hộ gia đình. Trao đổi về nội dung này, Trung tá Đường Trung Thành - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh cho biết:

 


- Những tháng gần đây, trên địa bàn cả nước đã xảy ra một số vụ cháy tại các khu dân cư gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Điển hình như 3 vụ cháy nhà dân ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh làm 13 người chết. Với tình hình đó, Bộ Công an đã có kế hoạch triển khai đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ ngày 15-4 đến hết 15-10. Triển khai kế hoạch trên, Công an tỉnh trình Thường trực UBND tỉnh ký, ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, trường đại học, cao đẳng, trung học, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp triển khai đợt cao điểm. Đơn vị cũng đã xây dựng và ban hành kế hoạch và hướng dẫn công an các huyện, thị xã, thành phố triển khai, thực hiện đợt cao điểm.


- Công tác tuyên truyền về phòng ngừa cháy nổ trong đợt cao điểm sẽ được các đơn vị tập trung vào nhóm đối tượng nào, với nội dung gì thưa trung tá?


- Các đơn vị sẽ tổ chức tuyên truyền trực tiếp đến người dân; lồng ghép trong các hoạt động của chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội tại khu dân cư; tuyên truyền qua tờ rơi, băng rôn, loa phát thanh của phường, xã và trên phương tiện thông tin đại chúng. Nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến những quy định của pháp luật về PCCC, trong đó nêu rõ trách nhiệm của chủ hộ gia đình, người dân; các biện pháp PCCC; các hành vi bị nghiêm cấm, hành vi vi phạm phải bị xử lý theo quy định; kiến thức cơ bản về PCCC; việc quản lý, sử dụng điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt, chất dễ cháy, nổ, thiết bị có khả năng sinh lửa, sinh nhiệt và biện pháp xử lý khi xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình; kỹ năng thoát nạn, cứu hộ, cứu nạn và sử dụng phương tiện chữa cháy thông dụng…


- Được biết, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH sẽ phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức các đợt kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Trung tá có thể cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?


- Đối với nhà ở hộ gia đình thì trách nhiệm của chủ hộ gia đình, cá nhân và các điều kiện an toàn về PCCC quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 136/2020 của Chính phủ; đối với nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thì trách nhiệm của chủ hộ gia đình, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở hoạt động trong phạm vi ngôi nhà và các điều kiện an toàn về PCCC quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 7 Nghị định số 136.


Công an tỉnh đã giao cho công an các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND cấp huyện chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp nhận hồ sơ bàn giao từ công an cấp huyện, thị xã, thành phố, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, tiến hành kiểm tra an toàn về PCCC theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 16 Nghị định số 136 ngày 24-11-2020 của Chính phủ. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (thành phần gồm: Cán bộ thực hiện công tác kiểm tra an toàn PCCC của đội cảnh sát PCCC-CNCH hoặc đội cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc công an cấp huyện; cảnh sát khu vực; công an xã chính quy; đơn vị quản lý trật tự xây dựng đô thị; điện lực) do chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn làm trưởng đoàn, phân công rõ nhiệm vụ cho từng thành viên, rà soát, thống kê các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn và tiến hành kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.


- Xin cảm ơn trung tá!


Thành Long (Thực hiện)