Từ ngày 15-4, toàn tỉnh sẽ đồng loạt thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I-2021. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết:
Từ ngày 15-4, toàn tỉnh sẽ đồng loạt thực hiện Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt I-2021. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết:
- Hiện nay, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm (GS-GC) trong cả nước diễn biến phức tạp và có chiều hướng lây lan trên phạm vi rộng. Cùng với các loại dịch bệnh như: Cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, bệnh lở mồm long móng, bệnh viêm da nổi cục cũng đã xuất hiện từ tháng 10-2020. Tính đến ngày 15-3, đã xảy ra 354 ổ dịch tại 23 tỉnh, thành phố với tổng số 5.464 con trâu, bò mắc bệnh và số trâu, bò chết, buộc phải tiêu hủy là 468 con.
Trên địa bàn tỉnh, trong tháng 2, tháng 3-2021, đã xuất hiện các dịch bệnh nguy hiểm ở GS-GC. Chẳng hạn như bệnh cúm gia cầm xuất hiện vào ngày 19-2 tại 2 hộ nuôi ở xã Diên Lạc, huyện Diên Khánh, đã tiêu hủy 933 con gia cầm. Bệnh dịch tả heo châu Phi xuất hiện vào ngày 28-2 tại 1 hộ nuôi ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm và ngày 4-3 tại 1 hộ ở xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh. Tổng số heo bệnh, chết buộc tiêu hủy của 2 hộ này là 29 con với trọng lượng 1.382kg.
Đây còn là thời điểm thời tiết chuyển mùa, chưa kể tình hình dịch bệnh trước đó khiến cho mầm bệnh còn tồn tại ở nhiều môi trường, có nguy cơ bùng phát. Vì vậy, đợt tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi lần này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động đồng loạt trên cả nước để phòng, chống dịch.
- Để đạt hiệu quả cao nhất, hoạt động vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi cần được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Đợt tổng vệ sinh này được thực hiện từ ngày 15-4 đến 15-5. Địa điểm thực hiện trên địa bàn đã xuất hiện dịch bệnh GS-GC trong các năm 2019 - 2021; vùng nguy cơ cao, các xã, phường trọng điểm về hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán GS-GC. Tùy vào quy mô, tính chất, đợt tiêu độc khử trùng yêu cầu chung đối các cơ sở chăn nuôi GS-GC tập trung, hộ chăn nuôi, cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm, cơ sở giết mổ GS-GC tập trung… tiến hành phát quang cây cỏ xung quanh cơ sở; quét, dọn thu gom phân rác để đốt, chôn; khơi thông cống rãnh; sử dụng vôi bột, hóa chất để tiêu độc, khử trùng toàn bộ khu vực; vệ sinh, khử trùng, tiêu độc các phương tiện, dụng cụ phục vụ chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ GS-GC. Tại các chợ có buôn bán, giết mổ GS-GC sống và sản phẩm động vật, vào cuối mỗi buổi chợ phải tiến hành quét dọn và sử dụng vôi bột, phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán, giết mổ và các vật dụng liên quan; những quầy bán thịt phải được vệ sinh sạch sẽ và phun thuốc tiêu độc, sát trùng; các phương tiện, dụng cụ vận chuyển phải khử trùng khi vào, ra khỏi chợ.
Để đạt hiệu quả cao nhất, đợt tổng vệ sinh môi trường chăn nuôi cần đạt được yếu tố đồng loạt, quyết liệt, sự tham gia đầy đủ, đúng quy trình của người chăn nuôi, sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Vì vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát sẽ được đẩy mạnh trước và trong suốt đợt thực hiện.
- Những đối tượng nào được hỗ trợ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường, thưa ông?
- Những cơ sở chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ, cơ sở ấp trứng gia cầm, cơ sở giết mổ phải tự lo vật tư, kinh phí và tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Các xã, phường có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ người chăn nuôi tổ chức vệ sinh khu vực chăn nuôi, chợ buôn bán GS-GC, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm.
Với nội dung tiêu độc bằng hóa chất, các cơ sở chăn nuôi trang trại; chăn nuôi nông hộ, cơ sở ấp trứng gia cầm; cơ sở giết mổ GS-GC tự mua hóa chất để vệ sinh, khử trùng, tiêu độc khu vực của mình. Nhà nước chỉ hỗ trợ hóa chất theo thứ tự ưu tiên cho các cơ sở chăn nuôi nông hộ tại địa bàn đã xuất hiện dịch bệnh GS-GC trong các năm 2019 - 2021; vùng nguy cơ cao, các xã, phường trọng điểm về hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán GS-GC.
Sở đã giao cho chi cục phân bổ và cấp phát số lượng hóa chất từ nguồn ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ cho các địa phương trước ngày 9-4. Cụ thể là phân bổ 1.300 lít hóa chất khử trùng cho các địa phương: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh và Khánh Sơn. Riêng TP. Nha Trang đã mua hóa chất từ nguồn kinh phí của thành phố; huyện Khánh Vĩnh sử dụng 520 lít hóa chất còn tồn đã cấp từ đợt trước để thực hiện trong đợt này.
- Xin cảm ơn ông!
Hồng Đăng (Thực hiện)