09:04, 15/04/2021

Nghịch lý giữa chỉ số PCI và PAPI

Theo kết quả công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 vào ngày 15-4, Khánh Hòa xếp 26/63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, trước đó 1 ngày, kết quả công bố chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, Khánh Hòa lại nằm trong nhóm thấp điểm.

Theo kết quả công bố chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020 vào ngày 15-4, Khánh Hòa xếp 26/63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, trước đó 1 ngày, kết quả công bố chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, Khánh Hòa lại nằm trong nhóm thấp điểm.

 

Một góc thành phố Nha Trang. Ảnh: BKH

Một góc thành phố Nha Trang. Ảnh: BKH


PCI tăng 3 bậc


Theo đánh giá, năm 2020, PCI của Khánh Hòa đạt 63,98 điểm, xếp thứ 26/63 tỉnh, thành và thuộc nhóm các tỉnh có chỉ số khá; so với năm 2019 (xếp thứ 29/63 tỉnh, thành), PCI của tỉnh tăng 3 bậc. Trong đó, có 4 chỉ số thành phần tăng gồm: Gia nhập thị trường (từ 6,19 lên 7,93 điểm), chi phí thời gian (từ 7,1 lên 8,69 điểm), chi phí không chính thức (từ 6,47 lên 7,42 điểm) và cạnh tranh bình đẳng (từ 6,0 lên 8,81 điểm).

 

Bộ phận Một cửa ở UBND TP. Nha Trang.

Bộ phận một cửa ở UBND TP. Nha Trang.


Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho biết, để có được kết quả này, thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh rất quan tâm chỉ đạo đến việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị để tìm giải pháp nâng cao PCI; thành lập tổ công tác và xây dựng chương trình hành động nâng cao PCI giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu đến năm 2025, Khánh Hòa phải nằm trong tốp 15 tỉnh dẫn đầu cả nước. Song song đó, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chương trình cải cách hành chính, có đánh giá hàng năm gắn với trách nhiệm của người đứng đầu và từng cán bộ, công chức. Ngoài ra, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giải quyết thủ tục hành chính để giảm thiểu chi phí tài chính và thời gian cho các nhà đầu tư; thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp (DN); nâng cao chất lượng xử lý kiến nghị theo đúng thẩm quyền.


Bà Đặng Thị Thu Nguyệt - Trưởng đại diện VCCI Khánh Hòa đánh giá, PCI của Khánh Hòa tăng là kết quả tất yếu của hàng loạt hoạt động do tỉnh tổ chức; từ đối thoại DN đến hỗ trợ khởi nghiệp, tổ chức chương trình “Cà phê doanh nhân” và nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN. Đặc biệt, tỉnh có một chương trình hành động cụ thể, có nhiều chuyển biến tích cực trong chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt để nâng cao chỉ số PCI.


Nghịch lý PAPI


Mặc dù PCI đang là điểm sáng, song kết quả PAPI của Khánh Hòa lại hoàn toàn trái ngược khi giảm tới 13 bậc so với năm 2019, rơi vào nhóm có điểm số thấp nhất cả nước. Năm 2020, điểm tổng hợp PAPI của Khánh Hòa chỉ đạt 39,14 điểm. So với năm 2019, có 4 chỉ số nội dung bị giảm điểm, riêng chỉ số cung ứng dịch vụ công tăng cao, thuộc nhóm có điểm cao nhất cả nước.


Điều này khiến nhiều người băn khoăn về tính chính xác của quá trình khảo sát, điều tra PAPI. Tuy giữa PCI và PAPI có chỉ số thành phần khác nhau nhưng đều liên quan trực tiếp đến hiệu quả của nền hành chính công. Vì vậy, nếu PCI tăng thì PAPI cũng có thể tăng. Ví dụ như Quảng Ninh, Đồng Tháp đều là những tỉnh dẫn đầu PAPI lẫn PCI. Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, PCI và PAPI là 2 đánh giá của 2 tổ chức khác nhau, các đối tượng tiếp cận và phương pháp đánh giá cũng khác nhau nên có thể sẽ dẫn đến những kết quả khác nhau. Mẫu điều tra PAPI thường mức độ nhỏ hơn so với mẫu của các điều tra xã hội khác. Thông thường, ở tỉnh PAPI sẽ thu thập ý kiến của khoảng 180 người/gần 1,2 triệu người. Trong khi đó, PCI sẽ lấy khảo sát khoảng 300 đến 400 DN/8.000 DN, hoặc chỉ số hài lòng do tỉnh tổ chức sẽ lấy ý kiến khoảng 25.000 người dân. Tuy không có cơ sở đánh giá tính chính xác của PAPI nhưng với 180 người dân/1,2 triệu người dân thì có thể thấy rất khó để bảo đảm tính đại diện.


Cùng quan điểm này, ông Vương Vĩnh Hiệp - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Long Sinh cho biết: “Việc 2 chỉ số có kết quả trái ngược nhau có thể do các đối tượng lấy ý kiến khác nhau. Hơn thế nữa, năm 2020 là năm bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19 nên sự kỳ vọng vào chính quyền của người dân và DN rất lớn. Đặc biệt, Khánh Hòa có thế mạnh về du lịch nên mức ảnh hưởng lớn hơn rất nhiều các tỉnh, thành khác. Chính vì vậy, chỉ số PAPI năm 2020 giảm sâu không hẳn do hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh làm kém hơn năm trước, mà có thể do chưa đạt được sự kỳ vọng của người dân và DN. Hoặc vẫn còn đâu đó tình trạng lãnh đạo tỉnh đốc thúc đổi mới, cải cách nhưng ở cơ sở lại chưa thực hiện rốt ráo. Cá nhân tôi nhận định, so với năm 2019, rõ ràng trong năm 2020, UBND tỉnh và các cơ quan đã có nhiều cố gắng hơn trong cải thiện các chỉ số; các hoạt động nhằm cải thiện sự hài lòng về hành chính công cũng nhiều hơn”.


Tiếp tục cải cách để nâng cao chỉ số


Để có thể nâng cao cả chỉ số PAPI lẫn PCI trong những năm tới, ông Vương Vĩnh Hiệp kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh phát triển Chính quyền điện tử và thay đổi cách thức gặp gỡ, đối thoại với DN. Khi làm tốt Chính quyền điện tử thì việc trao đổi, hợp tác giữa DN, người dân với hành chính công cũng thuận tiện và đơn giản hơn.  


Theo bà Đặng Thị Thu Nguyệt, PAPI thấp và kết quả trái ngược với PCI cũng là điều trăn trở được đưa ra bàn luận tại nhiều hội thảo. Để tiếp tục nâng cao cả 2 chỉ số này, thời gian tới, tỉnh cần tiếp tục có những hành động cụ thể hơn như: Tiếp tục nhân rộng mô hình vườn ươm khởi nghiệp, thực hiện đối thoại với DN tốt hơn và học hỏi những mô hình hay ở các tỉnh để áp dụng, mở rộng ra địa bàn toàn tỉnh.


Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng, quan điểm của tỉnh là sẽ thẳng thắn nhìn nhận những đánh giá để có phân tích sâu, đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện các chỉ số. Thời gian tới, muốn nâng cao điểm số của PAPI và PCI, các cơ quan, ban, ngành cần cụ thể hóa nhiệm vụ cải cách hành chính theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh về nâng cao chỉ số PCI, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến, tăng cường chất lượng phục vụ nhân dân và DN, đặc biệt ở cấp cơ sở.

 


 


Ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Tổ trưởng Tổ nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh: Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới, cải cách hành chính và thu hút đầu tư. Chính quyền sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc phục vụ người dân, doanh nghiệp nhằm thc hiện thắng lợi mục tiêu kép về phát triển kinh tế và kiểm soát dịch bệnh. Đặc biệt, tỉnh sẽ tiếp tục học hỏi cũng như phát triển các mô hình hay trong nâng cao năng lực cạnh tranh; quan tâm hơn nữa đến các lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ươm mầm khởi nghiệp.

 



Đình Lâm