11:03, 10/03/2021

Xử lý kịp thời những thông tin vi phạm trên mạng xã hội

Những năm gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều thông tin xấu độc, sai sự thật. Điều này buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp xử lý. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiền - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết:

Những năm gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều thông tin xấu độc, sai sự thật. Điều này buộc các cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp xử lý. Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hiền - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) cho biết:

 


- Hiện tại, tỉnh Khánh Hòa có gần 1 triệu thuê bao di động có kết nối Internet và hầu hết người dân ở độ tuổi từ thanh, thiếu niên trở lên đều có tài khoản trên mạng xã hội. Năm 2020, qua theo dõi, kiểm tra, lượng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội liên quan đến tỉnh rất nhiều, chủ yếu tập trung vào 3 nhóm nội dung chính: Thông tin tuyên truyền của các thế lực thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương; thông tin có tính chất lôi kéo, đe dọa, xúc phạm; thông tin có tính chất bạo lực, đồi trụy, giật gân, sai sự thật. Với tình hình đó, thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh, Sở TT-TT đã kịp thời chỉ đạo các phòng, đơn vị tăng cường công tác phối hợp kiểm tra theo dõi và xử lý việc đưa thông tin vi phạm trên mạng xã hội. Trong đó, Thanh tra Sở, Phòng Thông tin - Báo chí - Xuất bản là lực lượng nòng cốt phối hợp với các đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Công an tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá thông tin trên mạng xã hội và ngăn chặn, xử lý những thông tin xấu độc, sai sự thật.


- Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật của việc xử lý, ngăn chặn thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội trong thời gian qua?


- Từ năm 2020 đến nay, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, việc đưa thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh đã gây hoang mang dự luận, tạo sự lo lắng, kỳ thị trong cộng đồng, làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, doanh nghiệp. Chính vì thế, bên cạnh việc tuyên truyền, định hướng dư luận, Sở TT-TT đã phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung theo dõi, phát hiện, xử lý các trường hợp đưa thông tin sai sự thật về dịch Covid-19. Đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý, chấn chỉnh trực tiếp 17 trường hợp vi phạm, trong đó có 5 trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 32,5 triệu đồng. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, qua liên lạc điện thoại, cơ quan chức năng cũng đã chấn chỉnh, nhắc nhở nhiều trường hợp vi phạm khác.


- Để tăng cường hiệu quả công tác theo dõi, xử lý thông tin xấu độc, sai sự thật trên mạng xã hội, các cơ quan chức năng đã triển khai những hoạt động gì, thưa ông?


- Hệ thống pháp lý, công cụ hỗ trợ hiện hành và nguồn nhân lực đã đáp ứng cơ bản cho việc theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu, độc. Vấn đề là chúng ta vận dụng những yếu tố trên như thế nào cho hiệu quả. Chính vì vậy, ngày 12-8-2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2086 về Quy chế phối hợp theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc trên không gian mạng. Việc áp dụng quy chế đã mang lại hiệu quả tích cực. Điều đó thể hiện ngay trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 3, khi việc xác minh hành vi vi phạm, tiếp cận đối tượng vi phạm đã nhanh chóng hơn và kịp thời yêu cầu người vi phạm gỡ bỏ nội dung trước khi bị lan truyền rộng rãi. Chúng ta cũng đã thành lập được Tổ theo dõi, xử lý thông tin sai sự thật, thông tin xấu độc trên không gian mạng với 36 thành viên là cán bộ, công chức thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. Năm 2021, tổ tập trung theo dõi thông tin liên quan đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tình hình dịch bệnh Covid-19 và các thông tin khác liên quan đến mọi mặt đời sống xã hội.


- Xin cảm ơn ông!


Giang Đình (Thực hiện)