01:03, 18/03/2021

Quản lý thương mại điện tử: Cần hoàn thiện khung pháp lý

Mua, bán hàng hóa trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook hay các website, sàn giao dịch thương mại điện tử đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những thách thức cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Mua, bán hàng hóa trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook hay các website, sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đang ngày càng phổ biến. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những thách thức cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc ngăn chặn những hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…


Ngày càng phổ biến


Hiện nay trên thị trường, ngoài các đơn vị cung cấp trực tuyến có thương hiệu như: Lazada, Sendo, Shopee, Tiki…, người tiêu dùng còn nhiều sự lựa chọn từ các trang mạng xã hội do các cá nhân lập ra để bán hàng. Chỉ cần dạo một vòng trên Zalo, Facebook và bằng một thao tác nhấp chuột, người tiêu dùng có thể mua bất cứ thứ gì mình muốn từ hàng nội cho đến hàng ngoại. Các mặt hàng vô cùng phong phú, từ giày dép, quần áo, thực phẩm tươi sống… cho đến các mặt hàng có giá trị lớn như trang sức, đồ nội thất… Chị Thanh Hằng - nhân viên ngân hàng tại TP. Nha Trang cho biết: “Mới đầu, tôi cũng bị mất tiền oan khá nhiều do mua hàng trên mạng, hình ảnh sản phẩm không đúng với thực tế, mua về không dùng được phải bỏ. Bây giờ, tôi chỉ lựa chọn những trang có uy tín và cho xem hàng trước khi thanh toán mới đặt mua. Tôi thấy việc mua hàng qua mạng rất tiện lợi”.

 

Một bạn trẻ ở Nha Trang đang chọn mua giày qua mạng.

Một bạn trẻ ở Nha Trang đang chọn mua giày qua mạng.

 
Việc kinh doanh cũng khá dễ dàng, chỉ cần ngồi một chỗ, thông qua các thiết bị thông minh, bất kỳ ai cũng có thể tạo cho mình một trang bán hàng riêng. Bạn Minh Ngọc (đường 2-4, TP. Nha Trang) cho biết, chị gái ở Nhật nhiều năm nên thường gửi hàng xách tay từ Nhật về, Ngọc đăng thử lên Facebook bán cho người quen. Tiếng lành đồn xa, bạn bè và người quen nhắn hỏi mua ngày càng nhiều nên Ngọc lấy thêm nguồn hàng của những người khác về bán. Để tạo niềm tin, thu hút khách hàng, chị gái Ngọc thường chụp ảnh, quay video ngay các cửa hàng ở Nhật gửi về đăng làm quảng cáo để thu hút khách hàng. “Chiêu” này không mới nhưng rất hiệu quả. Người tiêu dùng ngày càng sính hàng ngoại xách tay nên lượng đơn hàng của Ngọc ngày một tăng. Tuy nhiên, do lượng người bán hàng trên mạng xã hội ngày càng đông nên gần đây, Facebook duyệt bài khá nghiêm, hạn chế cho đăng hình ảnh giới thiệu sản phẩm hoặc giá tiền trên status. Do đó, Ngọc đã dùng hình thức đăng ảnh, giá cả sản phẩm dưới các tin nhắn.


Việc kiểm soát còn nhiều khó khăn


Hoạt động mua bán hàng trên nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook hay các website, sàn giao dịch TMĐT mang lại nhiều lợi ích cho người bán và người mua. Tuy nhiên, hoạt động này đã và đang tạo ra những thách thức cho các cơ quan thực thi pháp luật trong việc ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.


Thời gian qua, các đơn vị trực thuộc Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã kiểm tra 37 lượt, phát hiện 6 trường hợp vi phạm với các hành vi chủ yếu như: Thiết lập website TMĐT bán hàng mà không thông báo với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định; không cung cấp cho khách hàng thông tin về hàng hóa trước khi tiến hành giao kết hợp đồng sử dụng chức năng đặt hàng trực tuyến; kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Qua đó, cơ quan chức năng xử phạt với tổng số tiền 90 triệu đồng; tịch thu 30 hũ thực phẩm bổ sung vitamin hiệu Muscletech Platinum Multi Vitamin, loại 90 viên/hũ do nước ngoài sản xuất. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa tương xứng so với thực tế hoạt động TMĐT đang diễn ra phổ biến và phức tạp. Một trong những nguyên nhân đó là công tác kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên các trang thông tin điện tử đang gặp nhiều trở ngại bởi các trang kinh doanh không có địa chỉ rõ ràng; hoạt động mua bán hàng hóa trên mạng diễn ra toàn quốc. Ngoài ra, hàng hóa giao dịch thường được vận chuyển bằng ô tô, xe máy thông qua các đơn vị vận chuyển độc lập với số lượng ít, cơ động; trong khi đó, các giao dịch theo hình thức này không có hóa đơn, chứng từ cụ thể. Chưa kể, các tài khoản bán hàng qua mạng nhiều khi không có kho hàng mà chỉ có mối hàng, khi có người mua mới liên hệ chuyển hàng cho khách…


Ông Ưng Hải Âu - Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết, với những khó khăn đó, Cục QLTT kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52 ngày 16-5-2013 của Chính phủ về TMĐT. Qua đó, ban hành quy định nhằm nâng cao trách nhiệm và vai trò của doanh nghiệp hoạt động TMĐT trong việc quản lý giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ trên nền tảng công nghệ do doanh nghiệp xây dựng hoặc quản lý; chủ sở hữu và đại diện các nhãn hàng hóa cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm có những thông tin nhanh để kịp thời xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT. Các cơ quan thuộc: Sở Công Thương, Cục Thuế, Cục QLTT, Cục Hải quan và ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty viễn thông, hạ tầng mạng cần có sự phối hợp kiểm soát luồng hàng hóa, dòng tiền thanh toán của các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT thông qua các công ty chuyển phát nhanh để thu thập thông tin về chủ hàng, nguồn hàng, kể cả hàng hóa giao dịch xuyên các tỉnh, thành. Bên cạnh đó, để tránh rủi ro khi mua hàng qua mạng xã hội, người tiêu dùng cần mua hàng ở những trang web uy tín, có đăng ký hoạt động với cơ quan chức năng; cảnh giác với những trang quảng cáo sản phẩm với giá thấp hoặc khuyến mãi lớn; kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng khi gặp các vấn đề về chất lượng khi mua hàng qua mạng…


K.H