Những năm qua, việc đầu tư kịp thời các ứng dụng công nghệ thông tin đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, chuyên ngành, nhất là phục vụ công tác cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, việc đầu tư kịp thời các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã hỗ trợ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước, chuyên ngành, nhất là phục vụ công tác cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Kết quả khả quan
Từ tháng 9-2020, Sở Văn hóa và Thể thao đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đối với 21 thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực như: di sản văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, quảng cáo, kinh doanh văn hóa, thể dục thể thao… Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Chánh Văn phòng sở, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 sẽ giúp cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao có thể nộp hồ sơ, thanh toán trực tuyến và thực hiện bưu chính công ích thuộc thẩm quyền giải quyết của sở.
Đến nay, đã có 100% cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cấp xã triển khai phần mềm một cửa điện tử để phục vụ công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai đồng bộ đến toàn bộ cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến xã. Tỷ lệ văn bản đi - đến được chuyển trên môi trường mạng đạt 98%. Tất cả các cổng - trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh đều đáp ứng quy định của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Có 100% sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh, cơ quan ngành dọc Trung ương tham gia sử dụng phần mềm quản lý việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Hoạt động tổ chức đấu thầu qua mạng trung bình đạt 35,8%.
Bên cạnh những kết quả khả quan, việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý nhà nước vẫn còn bất cập. Hầu hết các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chỉ kết nối trong nội bộ của bộ, ngành, địa phương và chủ yếu là kết nối trực tiếp. “Một số cơ quan, đơn vị vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của việc ứng dụng CNTT. Việc tích hợp, chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của địa phương còn chậm triển khai…”, ông Phạm Duy Lộc - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đánh giá.
Hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Để đạt được điều đó, tỉnh sẽ mở rộng các hệ thống nền tảng dùng chung của tỉnh với 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được chia sẻ, kết nối trong toàn tỉnh; 100% cơ sở dữ liệu về hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương được thường xuyên cập nhật, kết nối, chia sẻ và tổ chức sử dụng. Việc xử lý hồ sơ trên môi trường mạng ở cấp xã đạt 60%, cấp huyện đạt 80%, cấp tỉnh đạt 90%; các báo cáo định kỳ, báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội của tỉnh được chia sẻ, kết nối 100% với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Bên cạnh đó, thúc đẩy để gia tăng tỷ lệ đấu thầu qua mạng; phấn đấu 100% TTHC đủ điều kiện được công bố thực hiện trực tuyến ở mức độ 3, 4 và được cung cấp trên nhiều phương tiện khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; ứng dụng công nghệ số mới, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý, điều hành và kiểm soát các quy trình cung cấp dịch vụ, quản trị hệ thống, tích hợp ISO điện tử…
Theo ông Phạm Duy Lộc, để đạt được những mục tiêu trên cần hoàn thiện hệ thống pháp lý của tỉnh về CNTT; thực hiện việc bổ sung đầu tư, nâng cấp hạ tầng tại Trung tâm dữ liệu tỉnh để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho việc triển khai xây dựng chính quyền điện tử theo lộ trình. Bên cạnh đó, xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp ứng dụng và dịch vụ CNTT của tỉnh phục vụ kết nối nền tảng Chính phủ điện tử quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia trên địa bàn tỉnh, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước.
Đến nay, toàn tỉnh đã tích hợp và công khai 1.829 TTHC đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia. Có 631 TTHC được giải quyết mức độ 3, 4; 986 TTHC được tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích và 351 TTHC cho phép thanh toán trực tuyến.
____________________________________________
Trong 5 năm tới, tổng kinh phí dự kiến để thực hiện các nhiệm vụ, dự án ứng dụng CNTT, phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng của các cơ quan nhà nước hơn 279,9 tỷ đồng.
Giang Đình