09:03, 04/03/2021

Bóng cả của thôn

Bằng tiếng nói, uy tín của mình, thời gian qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.

Bằng tiếng nói, uy tín của mình, thời gian qua, những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) luôn phát huy vai trò trong việc tuyên truyền, vận động ĐBDTTS thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.


Chỗ dựa cho đồng bào


Già làng Mấu Hồng Thái (81 tuổi, dân tộc Raglai) ở xã Sơn Hiệp là người có uy tín ở vùng núi Khánh Sơn. Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, bản thân ông đã tham gia 2 cuộc kháng chiến và đã có hơn 50 năm tuổi Đảng. Đất nước hòa bình, ông và gia đình mạnh dạn đi đầu trong lao động sản xuất để ĐBDTTS noi theo. Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng ông và vợ vẫn cần mẫn chăm sóc hàng chục cây bưởi da xanh, chuối, mía tím trên diện tích đất gần 5ha, hàng năm cho thu nhập 60 - 70 triệu đồng. Bằng uy tín của mình, ông đã tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào ở địa phương tập trung phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; bỏ dần các hủ tục lạc hậu trong đám cưới, đám tang. Hiện ông là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn chế tác và sử dụng đàn Chapi; thường xuyên đan lát, làm nỏ, gùi như một cách gìn giữ và lưu truyền nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.

 

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa, quà cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số  tại hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2019.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa, quà cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tại hội nghị tổng kết công tác dân tộc năm 2019.


Ông Cao Thiên (71 tuổi, người Raglai) sinh ra và lớn lên ở xã Liên Sang, huyện Khánh Vĩnh. Với nhiều năm kinh nghiệm khi giữ chức Chủ tịch UBND xã Liên Sang, khi về hưu, ông được bầu chọn là người có uy tín của xã. Ông đã vận động nhiều người dân trong thôn hiến đất làm đường; hòa giải các mâu thuẫn của người dân; động viên các gia đình cho con đến trường. Ông còn là một trong số ít người lớn tuổi biết đan gùi, bắn nỏ, đặc biệt là sử dụng thành thạo nhạc cụ mã la. Tuy tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông vẫn lên rẫy chăm sóc hàng trăm cây điều, keo; nuôi gà, heo… cho thu nhập hơn 40 triệu đồng/năm.


Ông Cao Mui - Bí thư Đảng ủy xã Liên Sang cho biết, những năm qua, các già làng, trưởng bản và người có uy tín là trụ cột quan trọng để tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến ĐBDTTS. Họ cũng là tấm gương trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và lưu giữ, bảo tồn văn hóa của ĐBDTTS.


Gương sáng cho thôn

 

Ông Cao Thiên và vợ nấu món ăn truyền thống của người Raglai.

Ông Cao Thiên và vợ nấu món ăn truyền thống của người Raglai.

 

Đến nay, tỉnh có 88 người có uy tín trong ĐBDTTS, trong đó dân tộc Raglai 74 người, Ê Đê 7 người, T’rin 5 người, Nùng 1 người, Kinh 1 người. Thành phần người có uy tín gồm: Già làng, trưởng thôn, người sản xuất giỏi, một số người là cán bộ, trí thức đã nghỉ hưu hoặc đang làm việc ở các đoàn thể của xã. Trong đó, có 48 người là đảng viên, chiếm hơn 54% trên tổng số người có uy tín.

Năm 2020, tỉnh đã chi hơn 1 tỷ đồng để thực hiện chính sách đối với người có uy tín trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, để phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín, tỉnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng những kiến thức chung về các vấn đề dân tộc, cũng như các kỹ năng tuyên truyền, hòa giải, vận động quần chúng; tổ chức các buổi giao lưu, tham quan, học tập tại các tỉnh bạn…; vinh danh tại hội nghị biểu dương người có uy tín trong ĐBDTTS tỉnh.


Ông Đặng Văn Tuấn - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, những người có uy tín trong ĐBDTTS là lực lượng nòng cốt, có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác “Dân vận khéo”, tuyên truyền, vận động ĐBDTTS thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và chính sách dân tộc; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái giữa các dân tộc, không tin và nghe theo kẻ xấu, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở vùng ĐBDTTS. Họ còn vận động đồng bào yên tâm lao động sản xuất, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của đồng bào, từ đó phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương động viên đồng bào tham gia các phong trào thi đua ở cơ sở, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.


Mã Phương