Dự kiến trong quý II/2021, dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ khởi công xây dựng. Trong buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đề xuất địa phương quản lý chặt nguồn vật liệu thi công cao tốc, đặc biệt là về giá.
Dự kiến trong quý II/2021, dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ khởi công xây dựng. Trong buổi làm việc với UBND tỉnh mới đây, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất địa phương quản lý chặt nguồn vật liệu thi công cao tốc, đặc biệt là về giá.
Mới đây, trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Lê Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các địa phương giải quyết dứt điểm việc giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc - Nam, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư chuẩn bị thi công. Đồng thời, mong muốn tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư dự án chuẩn bị công tác thi công xây dựng, trong đó cần bảo đảm an ninh trật tự, tạo nguồn vật liệu, ổn định giá vật liệu trong quá trình triển khai, tránh trường hợp nguồn vật liệu khan hiếm, bị đẩy giá lên cao.
|
Ông Lê Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) cho biết, dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn Khánh Hòa đã lựa chọn được nhà đầu tư và chuẩn bị các thủ tục để khởi công xây dựng. Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước tham gia dự án đã bắt đầu thi công, qua đó đã xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng, đội giá vật liệu lên rất cao, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình. Rút kinh nghiệm từ những địa phương khác, ban mong muốn UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan có phương án quản lý chặt các mỏ vật liệu như: đất, cát, đá… để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu thi công cao tốc trong giai đoạn tới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Nha Trang - Cam Lâm cần hơn 3 triệu mét khối đất san lấp mặt bằng; đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo cần khoảng 200.000m3 đất đắp nền. Bên cạnh đó, dự án cũng cần một lượng lớn đá dùng cho sản xuất bê tông nhựa nóng thảm mặt đường. Với nhu cầu lớn như vậy nên các chủ đầu tư dự án lo lắng về nguồn vật liệu trong quá trình thi công.
Để giải quyết vấn đề nguồn vật liệu phục vụ xây dựng cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh, từ tháng 3-2020, Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi UBND tỉnh về việc thỏa thuận mỏ vật liệu, bãi đổ đất thừa. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GTVT đã rà soát, tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh vấn đề này. Theo ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT, nguồn nguyên vật liệu phục vụ xây dựng cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh tương đối dồi dào. Trong văn bản tham mưu thỏa thuận mỏ vật liệu, bãi đổ đất thừa, UBND tỉnh chấp thuận một số nội dung: Đối với các khu vực mỏ đá, cát làm vật liệu xây dựng thông thường và mỏ đất dùng san lấp đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực và phù hợp quy hoạch khoáng sản đã được UBND tỉnh phê duyệt, đề nghị Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cập nhật các vị trí mỏ khoáng sản trên để triển khai thực hiện theo quy định. Đối với những mỏ đất, đá, cát được sử dụng để phục vụ dự án mà chưa có hồ sơ môi trường, chủ các mỏ phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trình UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt. Đối với các mỏ đá có kết hợp nghiền, chế biến đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường mà chưa được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, chủ dự án phải thực hiện hồ sơ trình UBND tỉnh kiểm tra, xác nhận trước khi khai thác phục vụ dự án xây dựng cao tốc. Đối với các khu vực mỏ đá, cát làm vật liệu xây dựng thông thường và mỏ đất dùng san lấp chưa được cấp phép khai thác, giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thực hiện rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh xử lý, giải quyết.
Theo hồ sơ Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh cung cấp, trên địa bàn tỉnh có 18 khu vực có mỏ vật liệu khoáng sản, trong đó 16 khu vực đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực; 2 khu vực thuộc địa bàn TP. Cam Ranh đang làm thủ tục cấp giấy phép khai thác.
Đối với mỏ vật liệu thông thường, trên địa bàn tỉnh có 10 khu vực, trong đó 2 khu vực được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực; 4 khu vực hết hạn nạo vét bãi bồi lòng sông; 2 khu vực hết hạn nạo vét lòng hồ chứa nước; 1 khu vực hết hạn cải tạo đất có thu hồi, vận chuyển cát làm vật liệu xây dựng thông thường và 1 khu vực cát bãi bồi chưa được cấp phép khai thác.
Đối với mỏ đất san lấp, toàn tỉnh có 22 khu vực đạt yêu cầu kỹ thuật, trong đó 10 khu vực được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực; 10 khu vực chưa được cấp phép khai thác (đề nghị bổ sung quy hoạch cấp mới) và 2 khu vực đang khai thác trái phép.
THÀNH NAM