10:01, 10/01/2021

Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa: Bất cập về thời hạn

Trong thực tiễn xét xử, các quy định về thời hạn xem xét, giải quyết để áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa bộc lộ một số bất cập. Vì thế, nếu không sớm sửa đổi thì những bất cập này sẽ ngày càng ảnh hưởng nhiều đến công tác của tòa án. 

Trong thực tiễn xét xử, các quy định về thời hạn xem xét, giải quyết để áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa bộc lộ một số bất cập. Vì thế, nếu không sớm sửa đổi thì những bất cập này sẽ ngày càng ảnh hưởng nhiều đến công tác của tòa án.  


Áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa là một trong những nhiệm vụ của tòa án. Tại cuộc họp thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa VI, ông Trần Hữu Viên - Phó Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh nêu, Pháp lệnh số 09/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định thời hạn quá ngắn, dễ dẫn đến vi phạm về thời hạn.


Cụ thể, đối với cấp tỉnh, Điều 33 quy định: Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của tòa án. Thời gian này không đủ để làm thủ tục triệu tập người khiếu nại, đại diện hợp pháp của người khiếu nại, đại diện cơ quan đề nghị, kiểm sát viên; chưa kể trường hợp phải mời thêm chuyên gia y tế, giáo dục, tâm lý, xã hội học...


Đối với cấp huyện, Điều 12 quy định, trong 3 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ, thẩm phán phải quyết định mở phiên hợp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Với thời hạn này, những người tham gia phiên họp, viện kiểm sát chưa thể nhận được thông báo việc thụ lý do tòa gửi. Do đó, tòa cũng chưa thể nhận được văn bản cử kiểm sát viên tham gia phiên họp, không biết kiểm sát viên tham gia phiên họp là ai để ban hành quyết định mở phiên họp.


Ông Nguyễn Thành Phấn - Chánh án TAND huyện Vạn Ninh cho biết, Điều 7 nêu, trong 15 ngày kể từ ngày tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, tòa phải ra một trong các quyết định áp dụng hay không áp dụng, đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa. Thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày đối với vụ việc phức tạp. Tuy nhiên, thực tế, người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và hầu hết người thân của họ không muốn hợp tác với cơ quan chức năng để giải quyết hành vi vi phạm của họ. Do đó, thời hạn như trên vẫn là quá ngắn.

 

Trong áp dụng biện pháp xử lý hành chính, năm 2020, TAND cấp huyện thụ lý 221 vụ/221 người; đã giải quyết 210 vụ/210 người. Trong đó, đình chỉ 7 vụ/7 người, đưa vào trường giáo dưỡng 1 vụ/1 người, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc 2 vụ/2 người, còn lại đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. TAND tỉnh thụ lý 3 trường hợp khiếu nại quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của tòa án cấp huyện và đã giữ nguyên quyết định đối với 2 trường hợp; sửa quyết định đối với 1 trường hợp.
Hiện nay, việc giải quyết vẫn bảo đảm thời hạn theo quy định do số vụ việc ít, tính phức tạp không cao; nhưng về lâu dài rất khó bảo đảm do số lượng vụ án ngày càng tăng, biên chế giảm. Năm 2020, toàn ngành có 101 thẩm phán, giải quyết gần 8.000/9.000 vụ việc được thụ lý.

Điều 16 quy định, trong 7 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết dịnh áp dụng biện pháp xử lý hành chính và chậm nhất 3 ngày trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho viện kiểm sát cùng cấp và những đối tượng gồm: Người bị đề nghị; cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; cơ quan đề nghị; người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; người phiên dịch; những người khác được yêu cầu tham gia phiên họp. Thực tế, gửi bằng đường bưu điện thường không nhanh. Để kịp thời hạn, sau khi tòa cấp huyện ra văn bản, cán bộ tòa án phải tống đạt trực tiếp, trong khi đó thư ký tòa án ít, số lượng vụ án lại rất nhiều.


Tương tự, Điều 2 nêu, trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì tòa án yêu cầu đoàn luật sư phân công văn phòng luật sư cử người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ. Như vậy, tòa cũng phải chờ văn bản phân công luật sư, nên rất khó giải quyết vụ việc trong thời gian quy định. Điều 4 quy định, sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của tòa án cùng cấp, viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại tòa án đã thụ lý vụ việc đó, nhưng lại không quy định thời hạn nghiên cứu. Ngoài ra, Pháp lệnh 09 cũng không quy định thẩm quyền xem xét kháng nghị của viện kiểm sát cấp tỉnh; chưa quy định phải thẩm tra, xác minh tính chính xác của các tài liệu, chứng cứ mà người bị đề nghị, người bảo vệ quyền lợi của người bị đề nghị cung cấp.


Với những quy định còn bất cập, trong khi nhân lực của tòa án ít, việc giải quyết số lượng án ngày càng tăng đang gây ra nhiều khó khăn, trở ngại trong hoạt động của tòa.


NGUYỄN VŨ