05:12, 22/12/2020

Chủ động ứng phó mưa lớn

Ngày 22-12, UBND tỉnh đã có Công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông và mua lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh.

Ngày 22-12, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Công điện khẩn gửi các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan về việc ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên biển Đông và mua lớn diện rộng trên địa bàn tỉnh.

 

Vị trí và dự báo hướng di chuyển của ATNĐ trên biển Đông
Vị trí và dự báo hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới trên biển Đông

 

Theo bản tin của các cơ quan chuyên môn, hồi 13 giờ ngày 22-12, vị trí tâm ATNĐ ở ngay trên khu vực bãi Huyền Trân. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Do ảnh hưởng của ATNĐ, vùng biển phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động; sóng biển cao từ 3-5m. Từ ngày 22 đến ngày 23-12, các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 40-80mm, có nơi trên 100mm. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.

 

Riêng khu vực tỉnh Khánh Hòa xuất hiện đợt mưa lớn diện rộng. Dự báo tổng lượng mưa các nơi cụ thể như sau: Khu vực ven biển (Van Ninh, Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Ranh, Cam Lâm) lượng mưa phổ biến từ 80 - 120mm/đợt. Khu vực phía Tây (Khánh Sơn, Khánh Vĩnh) lượng mưa phổ biến từ 60-100mm, có nơi trên 120mm/đợt.

 

Để chủ động ứng phó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi, cập nhật diễn biến mưa lũ qua các bản tin của cơ quan dự báo và các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin kịp thời đến người dân biết về tình hình ATNĐ, mưa lũ để chủ động các biện pháp ứng phó. Tiếp tục thông báo cho các chủ phương tiện tàu thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của ATNĐ để chủ động phòng tránh. Rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực trũng thấp, ngập lụt... để chủ động thực hiện các phương án ứng phó, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Các đơn vị quản lý các hồ chứa nước thủy lợi, thuỷ điện theo dõi diễn biến của mưa lũ để tính toán lưu lượng nước về hồ (đặc biệt các hồ chứa đã tích đầy nước) để chủ động điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để chủ động ứng phó với các tình huống do mưa lũ gây ra. Đài Phát thanh và Truyền hình, các cơ quan thông tấn báo chí và truyền thông ở các địa phương thường xuyên phát tin về diễn biến của mưa lũ, ATNĐ để các cấp chính quyền, người dân nắm bắt, chủ động phòng tránh, ứng phó. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thường xuyên báo cáo về UBND tỉnh để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời.

 

H.Đ