Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 9-11, bão số 12 cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 9-11, bão số 12 cách đảo Song Tử Tây khoảng 180km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo đến 4 giờ ngày 10-11, bão cách bờ biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Tiếp đó, bão áp sát đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận rồi suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Do ảnh hưởng của bão, từ đêm 9-11 vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh, sóng biển cao 3-5m.
Từ chiều 9-11 đến 12-11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm; Quảng Bình, Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Để chủ động ứng phó cơn bão số 12 nhiều khả năng sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa, ngày 8-11, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân đã ban hành Công điện, yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về các địa phương phụ trách trước 12h ngày 9-11 để phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai công tác ứng phó bão.
Trên biển, các cơ quan đơn vị địa phương liên quan tổ chức kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển trở về bờ hoặc tìm nơi tránh trú an toàn. Thông báo cho ngư dân, các hộ nuôi trồng thủy sản trên các lồng bè, các tàu du lịch, các phương tiện đi lại trên biển biết thời gian phải ngưng các hoạt động đánh bắt, vận chuyển, lưu thông trên biển; ngư dân, người nuôi trồng thủy sản rời khỏi tàu thuyền, lồng bè kể từ 18h ngày 9-11 cho đến khi kết thúc bão.
Trên đất liền, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu các địa phương, đơn vị tổ chức kiểm tra, rà soát ngay các khu vực, công trình xung yếu, kiên quyết di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm nhất. Rà soát các khu vực cầu, ngầm, tràn… thường xuyên bị ngập lụt, chia cắt khi có mưa lũ để chủ động bố trí lực lượng hướng dẫn, chốt chặn; tổ chức khơi thông các hệ thống tiêu thoát nước, cống rãnh… nhằm hạn chế ngập lụt do mưa lũ lớn gây ra. Chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát, chặt tỉa các cây dễ đổ ngã không đảm bảo an toàn trên các tuyến đường của thành phố, thị xã, thị trấn; tổ chức hướng dẫn người dân gia cố, chằng chống nhà cửa.
Yêu cầu các Chủ đầu tư đang triển khai các dự án trên địa bàn đảm bảo an toàn cho công nhân, người lao động và các hạng mục công trình đang thi công; thực hiện tháo dỡ các hạng mục thi công công trình gây ách tắc dòng chảy; rào chắn, cắm biển cảnh báo tại các khu vực thi công, hố móng công trình…
Các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp liên quan, tùy lĩnh vực của mình, tổ chức triển khai tốt các phương án chủ động ứng phó với khả năng bão mạnh, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất.
H.Đ