5 năm qua, thành phố Cam Ranh đã triển khai hàng trăm mô hình sản xuất mới cùng với nhiều mô hình học tập, hỗ trợ vốn vay cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao.
5 năm qua, TP. Cam Ranh đã triển khai hàng trăm mô hình sản xuất mới cùng với nhiều mô hình học tập, hỗ trợ vốn vay cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào được nâng cao.
Nhiều chương trình thiết thực
Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã triển khai xây dựng 200 mô hình sản xuất mới (chủ yếu là nuôi dê) cho 160 hộ nghèo và cận nghèo, với tổng kinh phí hơn 2,27 tỷ đồng đồng. Kết quả, từ năm 2016 đến nay, tổng đàn dê của hộ tham gia xây dựng mô hình tăng trung bình từ 3 con lên 17 - 25 con; ước trị giá đàn dê hiện nay từ 45 đến 70 triệu đồng/mô hình so với 10 triệu đồng/mô hình ban đầu.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến 2019, UBND TP. Cam Ranh phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 8 chuyến đi học tập kinh nghiệm sản xuất tại các tỉnh: Quảng Bình, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh, Kon Tum… cho những người có uy tín và hộ sản xuất giỏi trên địa bàn. Tháng 9-2020, Phòng Dân tộc thành phố tổ chức học tập kinh nghiệm sản xuất một số mô hình tại huyện Khánh Sơn cho 6 người có uy tín trên địa bàn. Qua các buổi tham quan, học tập, những người có uy tín đã học hỏi được những kinh nghiệm, thành quả đạt được từ các mô hình; thông tin kịp thời cho hộ ĐBDTTS về việc ứng dụng công nghệ mới vào canh tác, chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh, cải tạo đất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh cho biết, ngoài hỗ trợ về mô hình sản xuất, thành phố còn tổ chức 8 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp theo Đề án 1956 cho 249 lao động, trong đó có 212 người là ĐBDTTS; tổ chức 2 lớp nghề nông nghiệp có 53 người là ĐBDTTS tham gia. Các lớp đào tạo nghề đã giúp cho lao động người DTTS được tiếp cận những kiến thức bổ ích, biết cách làm ăn, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự hành nghề, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. “Đầu năm 2016, toàn thành phố có 750 hộ nghèo/2.045 hộ DTTS, chiếm 36,7%. Đến cuối năm 2019, hộ nghèo người DTTS giảm còn 280 hộ/2.381 hộ DTTS, chiếm 11,8%. Dự kiến đến cuối năm 2020, hộ nghèo người DTTS còn 180 hộ/2.487 hộ DTTS, tỷ lệ 7,6%. Như vậy, bình quân mỗi năm thành phố giảm 5,8% hộ nghèo trong ĐBDTTS, đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hiện nay, thu nhập trong vùng ĐBDTTS đạt 15 triệu đồng/người/năm, đạt 125% so với kế hoạch”, ông Tuấn cho hay.
Tiếp tục hướng dẫn người dân phát triển sản xuất
Mới đây, Ban Dân tộc HĐND TP. Cam Ranh tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01 của HĐND thành phố về ban hành Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020. Kết quả cho thấy, mặc dù có nhiều nỗ lực phấn đấu, nhưng UBND TP. Cam Ranh chưa triển khai thực hiện được một số chính sách thuộc chương trình như: Vận động nhân dân vay vốn để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế hộ; thực hiện hỗ trợ sửa chữa, tô trát nhà ở; chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất; chưa tìm ra các mô hình sản xuất mới để định hướng cho các hộ ĐBDTTS sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Ông Cao Điệp Phới - Phó Trưởng ban Dân vận Thành ủy Cam Ranh, Trưởng ban Dân tộc HĐND thành phố cho biết, đã kiến nghị UBND TP. Cam Ranh chỉ đạo các phòng chuyên môn tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa các phòng với UBND các xã nhằm giúp ĐBDTTS biết được chủ trương, chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước; trách nhiệm của người được hưởng thụ chính sách để chủ động tham gia thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đồng thời phát huy tích cực ý thức tự chủ, tự giác của mỗi người dân. Bên cạnh đó, phải định hướng và hướng dẫn cho ĐBDTTS chuyển đổi phương thức sản xuất, lựa chọn các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước thay đổi tập quán truyền thống canh tác cũ, lạc hậu; quan tâm hơn trong việc bố trí ngân sách thành phố để đầu tư thực hiện một số chính sách thuộc chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS.
Theo lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh, do đất sản xuất ở vùng đồng bào còn manh mún, bạc màu; tập tục, thói quen sản xuất còn lạc hậu; giao thông, thủy lợi chưa phát triển đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của chương trình. Bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội về hỗ trợ sửa chữa, tô trát nhà ở cho ĐBDTTS thuộc Chương trình 134 còn khó khăn do chưa có nguồn vốn để hỗ trợ. Thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn đồng bào thâm canh cây trồng, vật nuôi để nâng cao năng suất; đồng thời có phương án cải tạo đất sản xuất bạc màu ở xã Cam Thịnh Tây; tập trung đào tạo các nghề nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt) phù hợp với trình độ năng lực của người học.
Nhật Thanh