Tổng cục Quản lý thị trường vừa có công văn gửi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020.
Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) vừa có công văn gửi cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu 2020.
Để góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng dịp Tết Trung thu năm 2020, Tổng cục QLTT yêu cầu cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch chuyên đề kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp trước, trong và sau Tết Trung thu. Quá trình xây dựng kế hoạch cần trao đổi thông tin và chủ động phối hợp với sở công thương và các ngành có liên quan để tránh việc kiểm tra chồng chéo, trùng lắp.
Đối với mặt hàng bánh Trung thu, kiểm tra việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh các nguyên liệu làm bánh Trung thu như nhân bánh, mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, nước đường, trứng muối... để kịp thời ngăn chặn các hành vi nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm trên địa bàn được phân công quản lý. Đặc biệt, lưu ý kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu quy mô lớn, đầu mối cung cấp, địa điểm tập kết nguồn hàng. Nếu phát hiện các trường hợp vi phạm không thuộc địa bàn quản lý thì chủ động phối hợp xử lý hoặc báo cáo để kịp thời tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và xử lý triệt để.
Tăng cường công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh Trung thu lưu thông trên thị trường. Chú ý kiểm tra các loại bánh Trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh Trung thu tự làm không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phối hợp với các cơ quan trên địa bàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh, bày bán bánh Trung thu về hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, việc thực hiện các quy định về ghi nhãn, niêm yết giá, quảng cáo, khuyến mại và việc chấp hành các quy định về điều kiện bảo quản, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ.
Chú ý kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng được bán giảm giá, khuyến mại hoặc tái sử dụng để sản xuất ra các sản phẩm khác gây mất an toàn trong quá trình sử dụng. Nếu phát hiện vi phạm thì kịp thời phối hợp với các cơ quan có liên quan để truy xuất nguồn gốc, đình chỉ lưu thông sản phẩm góp phần bảo đảm quyền lợi và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em; đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng; đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực nhập lậu; kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và các quy định khác của pháp luật trong quản lý mặt hàng đồ chơi trẻ em.
Công văn cũng nhấn mạnh, trong quá trình kiểm tra cần kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm. Công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để cảnh báo, nâng cao nhận thức pháp luật cho người tiêu dùng.
T.K