11:08, 19/08/2020

Mức sinh thấp - Lo từ bây giờ

10 năm qua, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực duy trì mức sinh thay thế, nhưng hiện nay, ở các vùng đồng bằng vẫn có mức sinh thấp. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng già hóa dân số và không đủ nguồn lao động trong tương lai.

10 năm qua, ngành Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực duy trì mức sinh thay thế, nhưng hiện nay, ở các vùng đồng bằng vẫn có mức sinh thấp. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng già hóa DS và không đủ nguồn lao động trong tương lai.


Không dám sinh con thứ hai


Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, theo Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng năm 2017 về công tác dân số trong tình hình mới, yêu cầu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con. Tuy nhiên hiện nay, toàn tỉnh có 6/8 huyện, thị xã, thành phố có mức sinh thấp và thậm chí rất thấp từ 1,18 - 1,61 con/phụ nữ (Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm). Riêng huyện miền núi Khánh Vĩnh có mức sinh thay thế là 2,09 con/phụ nữ; huyện Khánh Sơn có mức sinh cao 2,58 con/phụ nữ.

 

Tuyên truyền khuyến khích sinh ở TP. Cam Ranh.

Tuyên truyền khuyến khích sinh ở TP. Cam Ranh.


Tuy không khó khăn về kinh tế nhưng chị Nguyễn Thị Thu Thủy (huyện Cam Lâm) chỉ sinh 1 con. Chị Thủy chia sẻ, lúc quyết định cũng phân vân lắm, nhưng nghĩ lại cảnh thai nghén rồi đau sau sinh, hơn nữa vợ chồng đều cảm thấy một đứa là đủ, thêm đứa nữa lỡ chăm không tốt, cả hai đều thiệt thòi. “Con gái đang học lớp 8, cháu ngoan và khá tự lập. Cháu cũng đòi mẹ sanh em bé nhưng bây giờ tôi cũng 40 tuổi rồi, nghĩ cảnh mang bầu, chăm con, stress là sợ. Lễ, Tết cả nhà tôi đi du lịch, cuối tuần dẫn con đi chơi, làm bạn với con. Tôi còn thời gian để chăm sóc bản thân, cuộc sống vậy thoải mái lắm!”, chị Thủy nói.


Hoàn cảnh kinh tế khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc các gia đình không muốn sinh thêm con thứ hai. Anh Lê Văn Hùng (thị xã Ninh Hòa) thở dài: “Trạm Y tế xã cũng hay tới nhà vận động sinh đủ 2 con, nhưng do hoàn cảnh kinh tế chưa ổn định nên gia đình muốn tập trung lo kinh tế, để chăm sóc con mình được đầy đủ hơn”.


Qua tìm hiểu, nhiều cặp vợ chồng cũng muốn sinh đủ 2 con, để con mình “có chị có em”, nương tựa nhau, cùng chăm sóc cha mẹ khi về già. Thời gian khó khăn rồi sẽ qua, trẻ sẽ lớn nhanh, chỉ cần cố gắng một chút. Tuy vậy, với những gia đình bận rộn công việc cơ quan, họ ngán ngại trẻ lớn lên trong vòng tay người giúp việc, thiếu vắng những cái ôm ấm áp, cái nựng nịu cùng với sự quan sát cẩn thận của cha mẹ. Có người còn lo lắng đến những vất vả thai nghén, sinh nở, nuôi và dạy con đến trưởng thành. Đây là điều nhiều người ngại ngần khi sinh thêm con.


Mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con


Bà Trần Thị Kim Oanh cho biết, mặc dù thời gian qua, các giải pháp thực hiện để nâng cao chất lượng DS trên địa bàn tỉnh đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Song vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tồn tại, nhất là hiện nay mức sinh trong dân rất thấp, kéo theo hệ quả là tỷ lệ tăng DS tự nhiên cũng giảm đáng kể, nhiều gia đình chỉ muốn sinh 1 con.


Do đó, nếu không duy trì mức sinh hợp lý thì vài chục năm sau, số người phụ thuộc ở những địa phương có mức sinh thấp trong tỉnh sẽ tăng cao. Mức sinh thấp không chỉ làm cho già hóa DS sẽ diễn ra nhanh hơn mà còn làm cho nguồn nhân lực suy giảm, đặc biệt là lao động trẻ, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Vì vậy, “mỗi gia đình nên sinh đủ 2 con” là thông điệp thay cho “mỗi gia đình chỉ nên sinh 1 - 2 con”.


Trong bối cảnh mức sinh không đồng đều giữa các vùng như hiện nay, bà Oanh cho biết, sẽ khẩn trương tập trung vào việc khuyến khích sinh ở vùng có mức sinh thấp; tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ an toàn, hiệu quả, thuận tiện với chất lượng ngày càng tốt hơn cho các đối tượng chính sách ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, nơi mức sinh cao.


Bên cạnh đó, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, tổ chức các loại hình cung cấp dịch vụ phù hợp; tư vấn, kiểm tra sức khỏe, phát hiện sớm, phòng, tránh các yếu tố là nguy cơ dẫn đến sinh con dị tật, mắc các bệnh, tật ảnh hưởng đến việc suy giảm nòi giống. “Đặc biệt, để giảm thiểu tình trạng có thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn trong thanh niên công nhân các khu công nghiệp. Chúng tôi sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về truyền thông giáo dục, mở rộng và đa dạng hóa các kênh cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sử dụng biện pháp tránh thai nhằm cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên”, bà Oanh cho biết. 


Thanh Trúc