Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã thực hiện đầy đủ các chính sách và vận động cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Qua đó, góp phần động viên, giúp đỡ các nạn nhân vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Khánh Hòa đã thực hiện đầy đủ các chính sách và vận động cộng đồng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Qua đó, góp phần động viên, giúp đỡ các nạn nhân vơi bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Kịp thời giải quyết chính sách
Thực hiện Chỉ thị số 43 ngày 14-5-2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã nhanh chóng chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung giải quyết và thực hiện tốt các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động các nguồn lực chăm lo, giúp đỡ nạn nhân da cam. Công tác giải quyết hồ sơ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được các ngành chức năng triển khai kịp thời, nghiêm túc, đúng quy định. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2015 đến nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, thẩm định và giải quyết 352 hồ sơ. Qua đó, ra quyết định công nhận 139 người, còn lại 213 người không đủ điều kiện theo quy định. Trung tâm Giám định Y khoa tỉnh tiếp nhận 185 hồ sơ và giải quyết 100%. Qua đó, có 163 hồ sơ đủ điều kiện chuyển cho ngành chức năng ra quyết định công nhận bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các ngành chức năng nên đến nay, toàn tỉnh không có hồ sơ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đủ điều kiện hưởng chính sách mà bị tồn đọng chưa giải quyết.
Đến nay, tỉnh thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho hơn 1.600 người với số tiền hơn 3 tỷ đồng, trong đó có hơn 1.400 người là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hơn 200 người là con đẻ của họ. Việc chỉ trả chế độ được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, minh bạch, kịp thời và đúng đối tượng, tạo điều kiện cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học vươn lên, ổn định cuộc sống.
Vì nạn nhân da cam
Đến nay, toàn tỉnh có 8 hội cấp huyện, 4 hội cấp xã và 83 chi hội với hơn 2.300 hội viên. Các cấp hội đã tổ chức hàng trăm cuộc vận động, kêu gọi sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, xã hội để chia sẻ khó khăn với nạn nhân da cam. Từ năm 2015 đến nay, các cấp hội đã vận động hơn 4,2 tỷ đồng để thăm, tặng quà, trao xe lăn, học bổng cho hàng trăm lượt hội viên. Đặc biệt, đã hỗ trợ xây mới 17 căn nhà tình nghĩa cho những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, các cấp hội tích cực vận động, hỗ trợ vốn giúp phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho các nạn nhân. Hàng năm, vào ngày lễ kỷ niệm, các cấp hội còn vận động doanh nghiệp, nhà hảo tâm, y, bác sĩ trực tiếp đến địa bàn dân cư thăm khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho các nạn nhân. Tỉnh hội đã phối hợp với Hội Cựu chiến binh tổ chức 6 đợt khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 nạn nhân da cam.
Theo khảo sát của các ngành chức năng, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 9.000 người bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, có hơn 2.000 người bị nhiễm do trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn 700 người là con đẻ của người trực tiếp tham gia kháng chiến, hơn 4.000 người là dân thường và hơn 2.300 người là con đẻ của dân thường. |
Ông Cao Văn My - Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, tuy được các cấp, ngành và địa phương quan tâm nhưng hiện nay, vẫn còn nhiều nạn nhân chất độc da cam rất cần sự giúp đỡ của toàn xã hội. Ngoài ra, có nhiều người tham gia kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ rải chất độc hóa học, bị mắc các bệnh hiểm nghèo nhưng lại không nằm trong nhóm bệnh do Bộ Y tế quy định. Do đó, họ không được công nhận bị nhiễm chất độc hóa học để hưởng chế độ. Tỉnh cần kiến nghị Trung ương mở rộng nhóm bệnh do phơi nhiễm chất độc da cam để các nạn nhân được hưởng chế độ. Đồng thời, cần công nhận những cháu là thế hệ thứ 3 bị dị dạng, dị tật, thiểu năng trí tuệ là nạn nhân da cam để xét chế độ.
Theo chỉ đạo của Trung ương, thời gian tới, hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin sẽ thay đổi theo hướng tự nguyện, tự chủ. Do vậy, trong thời gian tới, các cấp hội tập trung kêu gọi, kết nối cộng đồng xã hội đồng hành với các nạn nhân chất độc da cam; nỗ lực phát huy vai trò tích cực, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức xã hội.
VĂN GIANG