Chúng tôi gặp N.T.X.N (14 tuổi, thị xã Ninh Hòa) tại một lớp tập huấn kỹ năng cho trẻ do nhà trường phối hợp với các cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vào giữa tháng 6.
Ám ảnh áp lực học hành
Chúng tôi gặp N.T.X.N (14 tuổi, thị xã Ninh Hòa) tại một lớp tập huấn kỹ năng cho trẻ do nhà trường phối hợp với các cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vào giữa tháng 6. Trò chuyện với N. được biết, hàng ngày, lịch học của em rất dày đặc. “Ngày nào em cũng đi học từ sáng đến trưa ở lớp, chiều học thêm, học ngoại khóa, ngoại ngữ… Mãi đến 9 giờ tối em mới về đến nhà, ăn cơm rồi lại tiếp tục học bài. Nhiều khi em thấy mệt mỏi nhưng riết cũng quen”, N. nói.
Trong khi đó, phụ huynh lại có cách nghĩ khác. “Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, làm gì có thời gian để trông con mà cho chúng ở nhà? Tôi cũng biết không phải cứ cho tụi nhỏ đi học miết sẽ tốt, song vợ chồng tôi hi vọng ở các lớp học đó sẽ giúp con được trang bị kỹ năng sống”, chị Lê Thị Mỹ Linh, phụ huynh có con học ở Trường THCS Chu Văn An, thị xã Ninh Hòa nói.
Tại một lớp tập huấn kỹ năng ở một trường ở TP. Nha Trang, khi được hỏi về áp lực trong việc học, chạy theo điểm số vì muốn làm hài lòng bố mẹ, em N.M.H (12 tuổi) rơm rớm nước mắt: “Em ước mơ sau này trở thành một hướng dẫn viên du lịch vì em thích được đi đây đi đó. Ban đầu, gia đình em ủng hộ vì Nha Trang là thành phố du lịch, nhưng sau đợt dịch Covid-19, bố mẹ đã yêu cầu em phải tập trung vào học các lớp ngoại khóa khác và hướng em vào ngành học công nghệ thông tin vì nghĩ nghề hướng dẫn viên bấp bênh. Mặc dù không muốn nhưng vì bố mẹ chỉ có mình em nên em đành làm theo”. Còn em Lương Thị Thúy Nga, học sinh lớp 7 Trường THCS Thái Nguyên (Nha Trang) bộc bạch: “Chúng em mong muốn nhận được nhiều hơn nữa sự yêu thương, tôn trọng và thấu hiểu của cha mẹ, thầy cô. Xin hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để lắng nghe chúng em nói, hãy tôn trọng những suy nghĩ, cảm xúc của chúng em trên hành trình trưởng thành”.
Không nên áp đặt
Thành tích học tập của con là điều phụ huynh nào cũng kỳ vọng, mong muốn con mình học giỏi để sau này thành đạt, có cuộc sống tốt. Nhưng có nhiều bậc cha mẹ không quan tâm đến mong muốn thực sự của con, dẫn đến việc con bị áp lực. Điều mà trẻ sợ nhất có lẽ là bị cha mẹ so sánh với “con nhà người ta”. Với tình yêu thương con, nhiều bậc cha mẹ không tiếc tiền cho con học thêm. Áp lực đó đối với học sinh cuối cấp lại càng lớn. Cô Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Tiến cho biết: “Là giáo viên theo sát học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, tôi thấy đây là giai đoạn mà chúng ta có thể thấy sự trưởng thành và ước mơ của trẻ rõ rệt nhất. Tôi nghĩ, học tập là tiền đề để một người có thể thành công trong tương lai, nhưng đó không phải là tất cả. Bởi, trong nhiều trường hợp, sự thành công lại đến từ sự đam mê, ước muốn về ngành nghề, công việc của mỗi cá nhân. Việc học hành cũng cần đi cùng với việc nuôi dưỡng đam mê, ước vọng cho trẻ. Do đó, điều cần làm là cho trẻ phát triển một cách thoải mái nhất để trẻ tự tin học hỏi và sáng tạo”.
Còn ở góc độ của trẻ, điều các em cần đôi khi lại rất đơn giản nhưng nhiều khi các bậc cha mẹ, thầy cô lại vô tình xem nhẹ. “Chúng em cần sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô với những lời động viên, khích lệ, khuyên nhủ nhẹ nhàng, những hỗ trợ kịp thời chứ không phải những thành tích, kỳ vọng quá lớn lao, áp đặt cách nhìn, cách nghĩ của người lớn”, em N. nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Vân Anh - Tổ trưởng bộ môn Tâm lý - Giáo dục, Trường Đại học Khánh Hòa cho biết, áp lực học tập khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi mỗi khi tới trường. Mỗi em sẽ biểu hiện ra bằng hành động ở mức độ khác nhau, tùy thuộc vào sự ức chế nhiều hay ít. Trẻ thường xuyên chịu những áp lực học tập ở trường sẽ có xu hướng mắc các bệnh thần kinh như rối loạn tự kỷ, trầm cảm nhiều hơn so với những trẻ bình thường khác. Vì thế, khi ở nhà, cha mẹ không nên lúc nào cũng ép con phải ngồi vào bàn học, hãy nên để con được xen kẽ giữa học và nghỉ ngơi, thư giãn, chơi thể thao…
THANH TRÚC