11:07, 09/07/2020

Gỡ vướng cho công tác quản lý chợ

Chiều 9-7, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương đã kiến nghị một số giải pháp.

Chiều 9-7, ông Lê Hữu Hoàng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc họp, các sở, ngành, địa phương đã kiến nghị một số giải pháp.


Ngừng chuyển đổi vì vướng quy định


Theo Sở Công Thương, hiện nay, toàn tỉnh có 20/126 chợ đã đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác quản lý từ Nhà nước sang tư nhân. Trong đó, 13 chợ đang được doanh nghiệp, hộ kinh doanh khai thác quản lý còn thời hạn hợp đồng giao thầu; 5 chợ đã hết thời gian giao thầu và được UBND huyện, xã tiếp tục gia hạn hợp đồng; 2 chợ đã được UBND xã thanh lý hợp đồng, thu hồi để quản lý. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã mang lại hiệu quả nhất định trong công tác thu ngân sách, đầu tư sửa chữa hạ tầng chợ, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy; đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần thực hiện xã hội hóa đối với hoạt động quản lý chợ.
 

Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Ông Lê Hữu Hoàng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.


Trước đây, công tác đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác, quản lý chợ được thực hiện theo Quyết định 38 ngày 1-12-2011 của UBND tỉnh, Nghị định số 02 ngày 14-1-2003 và Nghị định số 114 ngày 23-12-2009 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ. Tuy nhiên, khi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, các quy định trên không còn phù hợp. Chính phủ cũng chưa ban hành quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đối với chợ. Do đó, tỉnh chưa có cơ sở pháp lý cụ thể để điều chỉnh quy định về trình tự, thủ tục, phương thức đấu thầu kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Vì vậy, từ đầu năm 2018 đến nay, các địa phương phải tạm dừng tổ chức đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác chợ để chờ quy định mới. Bộ Công Thương đang tổng hợp ý kiến, đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung nghị định về phát triển và quản lý chợ cho phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện phát triển hệ thống chợ trên toàn quốc. Tại Khánh Hòa, UBND tỉnh giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương đề xuất phương án giải quyết vướng mắc liên quan đến công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ hiện nay.


Lập Đề án khai thác kết cấu hạ tầng đối với chợ


Tại buổi làm việc, bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, vừa qua, sở đã lấy ý kiến các sở, ngành và địa phương. Theo đó, phần lớn các đơn vị thống nhất với đề xuất của Sở Công Thương là “các chợ đã tổ chức đấu thầu, giao cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh quản lý được tiếp tục hợp đồng cho đến khi hết thời hạn, sau đó thực hiện thanh lý hợp đồng và bàn giao tài sản chợ cho UBND cấp huyện, xã để quản lý theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản liên quan”. Ngoài ra, Sở Công Thương đề xuất UBND các huyện, thị xã, thành phố cần nghiên cứu lập Đề án khai thác kết cấu hạ tầng đối với chợ với phương thức “cho thuê quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng” theo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản liên quan.

 

Toàn cảnh chợ Đầm tròn cũ và khu chợ Đầm mới.

Toàn cảnh chợ Đầm tròn cũ và khu chợ Đầm mới.

 

20 chợ trên địa bàn tỉnh đã đấu thầu, chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác quản lý từ Nhà nước sang tư nhân gồm: chợ Vĩnh Phương, Vĩnh Thọ, Vĩnh Ngọc, Hòn Rớ (TP. Nha Trang); chợ Ba Ngòi, Mỹ Ca, Cam Phúc Bắc (TP. Cam Ranh); chợ Dinh, Dục Mỹ (thị xã Ninh Hòa); chợ Thành, Gò Đình, Diên An, Diên Phước, Diên Thạnh, Diên Phú (huyện Diên Khánh); chợ Vạn Ninh (huyện Vạn Ninh); chợ Suối Tân, Tân Xương (huyện Cam Lâm); chợ thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) và chợ Tô Hạp (huyện Khánh Sơn).

Tuy nhiên, đại diện UBND thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh kiến nghị, đối với các chợ còn thời hạn được tiếp tục hợp đồng cho đến khi hết thời hạn; các chợ hết thời hạn thì chưa thể thanh lý hợp đồng và bàn giao tài sản cho địa phương quản lý mà nên gia hạn (3 tháng/lần) theo chỉ đạo tại Thông báo 484 ngày 26-8-2019 của UBND tỉnh cho đến khi có hướng dẫn, quy định mới của Bộ Công Thương, UBND tỉnh. Việc tạm dừng đấu thầu chợ đã gây ra nhiều khó khăn, lúng túng trong công tác quản lý chợ ở các địa phương; thậm chí sau khi hết hạn hợp đồng đấu thầu với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, một số địa phương đã phải giao lại cho các tổ chức đoàn thể của xã quản lý, trong khi năng lực quản lý và khai thác chợ của đoàn thể rất hạn chế. Các địa phương cũng đề nghị các sở, ngành cần hướng dẫn cụ thể về lập Đề án khai thác kết cấu hạ tầng đối với chợ.


Phát biểu kết luận, ông Lê Hữu Hoàng giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hệ thống khung của đề án. Các sở dựa trên Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Luật Thương mại, tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, phong tục tập quán buôn bán của người dân địa phương và tham khảo ý kiến của tiểu thương, doanh nghiệp kinh doanh chợ để lập đề án khung trình UBND tỉnh. Các huyện, thị xã, thành phố lập Đề án khai thác kết cấu hạ tầng đối với chợ dựa theo đề án khung của Sở Công Thương, sau đó gửi cho Sở Công Thương thẩm định; đề nghị các địa phương lấy ý kiến của Thường trực HĐND huyện, thị xã, thành phố về đề án này (do Trung ương chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể). Trong thời gian lập đề án, các địa phương được tiếp tục gia hạn hợp đồng chợ đã đấu thầu, giao thầu cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh quản lý theo chỉ đạo tại Thông báo 484 của UBND tỉnh. Sở Công Thương phải trình đề án trước ngày 30-9 để UBND xem xét và ban hành vào cuối tháng 10.


MAI HOÀNG