Sáng 28-5, tại trụ sở UBND xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa), đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm trưởng đoàn có cuộc đối thoại với hơn 100 người dân khu vực lân cận Trạm thu phí BOT Ninh Xuân về dự án Xây dựng tuyến mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26.
Sáng 28-5, tại trụ sở UBND xã Ninh Xuân (thị xã Ninh Hòa), đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) do ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm trưởng đoàn có cuộc đối thoại với hơn 100 người dân khu vực lân cận Trạm thu phí BOT Ninh Xuân về dự án Xây dựng tuyến mới và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26.
Kiến nghị nhiều vấn đề
Tại cuộc đối thoại, người dân cho rằng, việc xây dựng Trạm BOT Ninh Xuân gây ảnh hưởng đến hệ thống cấp, thoát nước của kênh mương và cuộc sống hàng ngày của người dân gần khu vực trạm thu phí; cần triển khai có hiệu quả chính sách miễn, giảm giá sử dụng dịch vụ đường bộ; chưa nâng cấp, mở rộng một số khu vực trên Quốc lộ 26; tháo dỡ hoặc di dời Trạm BOT Ninh Xuân. Mặt khác, việc xây dựng Trạm BOT Ninh Xuân không đúng với Nghị quyết số 437 ngày 21-10-2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khoảng cách giữa hai Trạm thu phí Ninh Xuân và Ninh Lộc quá ngắn...
“Từ ngày bắt đầu thu phí tại Trạm BOT Ninh Xuân, tình hình an ninh trật tự trong khu vực này rất rối ren. Các phương tiện không chịu trả phí, dừng ngay tại trạm, tài xế còn dùng loa phản đối ngày đêm, ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng tôi. Tôi mong nhà đầu tư và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sớm có phương án giải quyết thỏa đáng để bảo đảm cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân”, một người dân sống gần trạm thu phí nói.
Bên cạnh đó, một số người dân kiến nghị chủ đầu tư cần sớm khắc phục những tồn tại trên tuyến đường quản lý, như: mương thoát nước bị đất đá vùi lấp khiến một số diện tích đất lúa khó khăn trong sản xuất. Có nhà dân gần khu vực trạm thu phí bị nứt, hay một số khu vực mương thoát nước hở gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Theo ghi nhận của phóng viên, tại cuộc đối thoại có gần 20 ý kiến của người dân được gửi tới các cơ quan chức năng. Số kiến nghị này không mới so với lần đối thoại trước đó do thị xã Ninh Hòa tổ chức và tập trung chủ yếu vào một nhóm tài xế.
Chưa tìm được tiếng nói chung
Ông Vũ Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ GTVT khẳng định, việc đầu tư xây dựng và vị trí đặt Trạm BOT Ninh Xuân đúng với trình tự đầu tư và quy định của pháp luật. Dự án được triển khai trong bối cảnh Nhà nước gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông. Mỗi năm, Bộ GTVT chỉ nhận được 1/3 kinh phí cho việc đầu tư, bảo trì, bảo dưỡng các tuyến đường so với nhu cầu thực tế. Vì vậy, việc huy động các nguồn lực đầu tư bằng hình thức xã hội hóa là hết sức cần thiết và đúng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Dự án xây mới tuyến đường qua Ninh Hòa và nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 26 được triển khai và hoàn thành giai đoạn 1 trước thời điểm Nghị quyết 437 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thông qua, sau đó, nhà đầu tư tiếp tục làm giai đoạn bổ sung theo đề nghị của 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk. Về khoảng cách giữa hai trạm thu phí Ninh Xuân và Ninh Lộc chỉ cách nhau 12km, tuy nhiên đây là hai tuyến đường khác biệt nên không sai theo quy định của pháp luật.
Dự án xây dựng mới đoạn qua thị xã Ninh Hòa và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 26 qua tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk có tổng chiều dài gần 50km, trong đó đoạn qua tỉnh Khánh Hòa gần 18,4km (xây dựng mới 2,9km, còn lại là nâng cấp, cải tạo). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 806 tỷ đồng, dự kiến thu phí trong vòng 23 năm 8 tháng. |
Cũng theo ông Vũ Tuấn Anh, không có chuyện phí chồng phí tại dự án này. Người dân cho rằng hàng năm đã phải trả cho Nhà nước một khoản phí đường bộ, bây giờ lại phải trả thêm phí cho nhà đầu tư, điều này hoàn toàn không đúng, bởi phí bảo trì đường bộ dùng để sửa chữa, bảo dưỡng các tuyến đường trên toàn quốc. Còn tiền đầu tư BOT Quốc lộ 26 là của nhà đầu tư, nằm ngoài phí bảo trì đường bộ, hai việc này tách bạch, mục tiêu khác nhau.
Ông Nguyễn Xuân Cường - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, sau buổi đối thoại, đoàn công tác sẽ làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan của tỉnh để sớm có phương án tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Đồng thời, yêu cầu Cục Quản lý đường bộ III và nhà đầu tư rà soát và khắc phục ngay những bất cập về cơ sở hạ tầng mà người dân đã chỉ ra tại cuộc đối thoại.
Kết thúc buổi đối thoại, đại diện Bộ GTVT cho biết, tuy các bên liên quan chưa thống nhất được một số vấn đề nhưng Bộ GTVT sẽ tiếp thu, tổng hợp kiến nghị của người dân và doanh nghiệp trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
THÀNH NAM
Ông Nguyễn Đức Trọng - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên BOT Quốc lộ 26: Từ ngày 16-12-2019, Trạm thu phí Ninh Xuân tổ chức thu phí nhưng liên tục bị cản trở, chống đối, dẫn đến không thể tiến hành thu phí hoàn vốn dự án. Cụ thể, có hơn 451.000 lượt xe qua trạm không thu được phí, đơn vị mới thu được khoảng 49 triệu đồng, thất thoát hơn 17 tỷ đồng.
_________________________________________________________
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở GTVT: Việc đầu tư xây dựng tuyến mới qua Ninh Hòa và nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 26 là hết sức đúng đắn và cấp thiết. Sau khi đưa vào khai thác, dự án đã tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kết nối với vùng kinh tế Tây Nguyên. Lái xe giảm được chi phí xăng dầu, hao mòn phương tiện, tiết kiệm thời gian đi lại, bảo đảm an toàn giao thông. Điều quan trọng nhất là giảm thiểu tai nạn giao thông. Từ năm 2016 trở về trước, bình quân mỗi năm có 14 vụ tai nạn giao thông trên Quốc lộ 26, sau khi nâng cấp, cải tạo đến nay chỉ còn 10 vụ (thống kê của thị xã năm 2019).