Thời gian qua công tác an toàn vệ sinh lao động được các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chú trọng cải thiện, qua đó đã kiểm soát được các nguy cơ rủi ro nhằm tạo môi trường lao động an toàn.
Thời gian qua công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được các đơn vị, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa chú trọng cải thiện, qua đó đã kiểm soát được các nguy cơ rủi ro nhằm tạo môi trường lao động an toàn.
Những kết quả đáng ghi nhận
Thời gian qua, các đơn vị, DN đã chú trọng cải thiện điều kiện lao động bằng việc đầu tư máy, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất; thực hiện nghiêm túc việc kiểm định, đăng ký sử dụng các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ. Các chế độ, quyền lợi như: Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, thực hiện giờ làm việc nghỉ ngơi, bồi dưỡng lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... ngày càng được thực hiện tốt hơn. Hàng năm, có hơn 1.200 DN chủ động phối hợp với các đơn vị y tế thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho hơn 21.700 người lao động (NLĐ). Đặc biệt, mỗi năm, các DN còn dành hơn 60 tỷ đồng để xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật đảm bảo ATVSLĐ.
Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các ngành chức năng đã nâng cao tránh nhiệm trong việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra các đơn vị, DN về thực hiện công tác ATVSLĐ. Trung bình mỗi năm, các ngành phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ khoảng 100 lượt DN. Qua đó, phát hiện, chấn chỉnh những vi phạm, thiếu sót của DN. Song song với đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức tư vấn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho hàng trăm DN. Đặc biệt, với tình hình dịch bệnh Covid-19, mặc dù chịu tác động lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, song các đơn vị, DN đã rất chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch nhằm bảo đảm an toàn cho NLĐ như: Thành lập tổ phản ứng nhanh, lập khu cách ly riêng, trang bị các thiết bị, trang phục bảo vệ cá nhân cho công nhân, kiểm tra sức khỏe hàng ngày của NLĐ, khử khuẩn toàn bộ nhà máy, nơi sản xuất, xe đưa đón công nhân…, góp phần hạn chế sự lây lan của các loại dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19.
Tăng cường các giải pháp an toàn
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn DN chậm cải thiện điều kiện lao động, chưa tổ chức đánh giá rủi ro về mối nguy hiểm, huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ theo quy định. Các DN nhỏ còn sử dụng máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu và không trang bị các phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc trang bị không đầy đủ cho NLĐ. Từ đó, dẫn đến nguy cơ về tai nạn, bệnh nghề nghiệp luôn đe dọa NLĐ. Bên cạnh đó, nhiều DN chưa quan tâm thực hiện công tác khám bệnh nghề nghiệp, chưa quan trắc xử lý môi trường nguy hại cho NLĐ…
Chính vì vậy, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Tháng hành động ATVSLĐ năm nay (tháng 5) chú trọng đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động, kiểm soát các nguy cơ rủi ro tại nơi làm việc. Các cơ quan, đơn vị, DN cần bám sát chỉ đạo, kế hoạch mà UBND tỉnh đã ban hành để xây dựng kế hoạch cũng như thực hiện các nội dung, hoạt động cụ thể, thiết thực và hiệu quả. Trong đó, chú trọng vào các hoạt động tự kiểm tra, tự đánh giá, quản lý các nguy cơ, rủi do về ATVSLĐ để thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đặc biệt, tiếp tục áp dụng những biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19.
Theo ông Văn Đình Tri, các DN cần chủ động củng cố, bố trí đủ cán bộ làm công tác ATVSLĐ, nhân sự mạng lưới an toàn vệ sinh viên, lực lượng sơ cấp cứu tại chỗ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy theo quy định; rà soát thực hiện đầy đủ các quy định chế độ chính sách về bảo hộ lao động cho NLĐ. Đồng thời, tổ chức huấn luyện ATVSLĐ và rà soát, xây dựng đầy đủ các nội quy, quy định về ATVSLĐ trong hoạt động sản xuất của đơn vị; tổ chức các đợt tự kiểm tra về ATVSLĐ tại cơ sở, bổ sung các biển báo, rào chắn những khu vực nguy hiểm có nguy cơ tai nạn lao động; bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, đầu tư trang bị, bổ sung phương tiện phòng cháy và chữa cháy, phương tiện cứu hộ cứu nạn. Đặc biệt, cần tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bố trí việc làm phù hợp cho công nhân.
VĂN GIANG