11:05, 28/05/2020

Chậm chốt sổ bảo hiểm xã hội: Người lao động bị ảnh hưởng quyền lợi

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 2 đến nay, số lượng người lao động bị mất việc tăng cao, nhưng một số người lại không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do chậm chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ tháng 2 đến nay, số lượng người lao động bị mất việc tăng cao, nhưng một số người lại không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do chậm chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH).


Quá 3 tháng, không được trợ cấp


Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, ông Nguyễn Văn Chiến, công nhân kỹ thuật một doanh nghiệp du lịch cầm sổ BHXH trên tay trông ngóng đến lượt mình. Ông cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, ông cùng nhiều đồng nghiệp bị công ty cho thôi việc từ cuối tháng 2. Đến nay, sau gần 3 tháng, gần hết hạn quy định, ông mới đến trung tâm để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp; nguyên nhân nộp hồ sơ muộn là do ông mới lấy được sổ BHXH. “Mấy tháng qua, công ty gặp khó, thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi lại để yêu cầu công ty chốt sổ BHXH cũng khó khăn. Bữa giờ tôi lo lắng, tưởng đâu trễ rồi. May quá, chỉ cần chậm thêm vài ngày nữa là tôi không được hưởng trợ cấp thất nghiệp”, ông Chiến nói.

 

Người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Người lao động đến đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.


Từ tháng 2 đến nay, lượng người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao. Mỗi ngày có khoảng 400 - 500 người đăng ký mới và khoảng 400 người xác nhận tình trạng việc làm. Tuy số người đến giao dịch đông, quá tải nhưng trung tâm ưu tiên giải quyết cho những trường hợp đã cận thời điểm cuối đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, theo quy định của Luật Việc làm năm 2013, không quá 3 tháng sau khi có quyết định cho thôi việc, người lao động phải đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh khai báo, hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp chốt sổ BHXH quá trễ, cũng có khi do người lao động không nắm quy định, nên không được hưởng trợ cấp thất nghiệp vì đã quá hạn. Người lao động chỉ được bảo lưu số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp để hưởng sau này.


Ưu tiên đóng bảo hiểm thất nghiệp


Theo BHXH tỉnh, đến nay, đơn vị đã chi trả cho hơn 8.200 người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng. Lượng người hưởng BHTN tăng nhanh từ tháng 3 với tốc độ khoảng 20%/tháng. So sánh cùng kỳ năm 2019, số người hưởng BHTN đã tăng hơn 50%. Do dữ liệu tại cơ quan BHXH tỉnh đã có sẵn nên khi người lao động đưa thông tin đến thì sẽ được xác nhận ngay. Việc người lao động bị chậm chốt sổ BHXH là do các doanh nghiệp nợ BHXH nên không thể chốt sổ. Trong khi đó, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 1.300 đơn vị nợ BHXH, BHTN, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp và lãi chậm đóng đã lên đến hơn 143 tỷ đồng. Đến tháng 4, số người tham gia BHXH đã giảm gần 34.000 người. Có 66 đơn vị, doanh nghiệp với hơn 12.600 lao động đã thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. 


Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc Phụ trách BHXH tỉnh cho biết, trợ cấp BHTN là quyền lợi của người lao động khi bị thất nghiệp. Tuy nhiên, do các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, phải tạm dừng sản xuất, không thể tiếp tục đóng BHXH cho người lao động, dẫn đến quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng. “Để tháo gỡ khó khăn này, BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cấp, ngành hướng dẫn các doanh nghiệp hoàn chỉnh thủ tục tạm dừng đóng quỹ hưu trí, tử tuất theo quy định của pháp luật; ưu tiên dành nguồn kinh phí đóng vào quỹ BHTN, để kịp thời chốt sổ, nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động. Các khoản bảo hiểm khác thì có thể đóng sau. Vì nếu không đóng BHTN thì không thể giải quyết được ngay BHTN cho người lao động. Để đảm bảo quyền lợi, người lao động có thể thường xuyên kiểm tra quá trình đóng BHXH của mình trên trang BHXH Việt Nam”, ông Chính nói.


Minh Thiết