Nhiều năm qua, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Trong số những địa phương thực hiện tốt vấn đề này, xã Cam Tân là điểm sáng.
Nhiều năm qua, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Trong số những địa phương thực hiện tốt vấn đề này, xã Cam Tân là điểm sáng.
Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số
Bà Lê Thị Mậu - chuyên trách dân số xã Cam Tân cho biết, hàng năm, các cộng tác viên và cán bộ dân số trên địa bàn xã thường xuyên đến tận nhà để tư vấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ cho chị em trong độ tuổi sinh sản. Việc tuyên truyền, vận động sàng lọc trước sinh và sơ sinh sẽ giúp trẻ sinh ra khỏe mạnh, tránh những khiếm khuyết về thể chất và trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng dân số. Chị Nguyễn Thị Hiếu (xã Cam Tân) cho biết: “Từ các buổi nói chuyện với các chị cộng tác viên, tôi đã hiểu và từ đó tuân thủ lịch khám thai định kỳ của bác sĩ ở Trạm Y tế xã. Tôi cũng thực hiện việc sàng lọc trước và sau sinh, chăm sóc thai nhi để con được khỏe mạnh hơn”.
Hàng năm, xã Cam Tân luôn nỗ lực duy trì mức sinh thay thế chung, chú trọng giảm sinh ở vùng có mức sinh cao và vùng có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhờ triển khai đồng bộ các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số đến từng cơ sở đã góp phần nâng cao chất lượng DS trên địa bàn xã. Năm 2019, trên địa bàn xã, tỷ số giới tính khi sinh là 107,6 bé trai/100 bé gái (chỉ tiêu là dưới 113 bé trai/100 bé gái).
Ngoài ra, Ban Dân số - KHHGĐ xã còn tổ chức 12 buổi tư vấn nhóm, thu hút 157 lượt phụ nữ tham dự; thăm 126 lượt hộ gia đình. Nội dung truyền thông tập trung về chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ trước khi mang thai, bà mẹ đang mang thai, sức khỏe sau sinh, tư vấn về xã hội hóa các phương tiện tránh thai, công tác dân số trong tình hình mới, lợi ích của việc sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Từ đó, nhiều hộ dân đã nâng cao nhận thức, nhiều cặp vợ chồng trước khi sinh con và mang thai đã đi khám và được tư vấn cụ thể để trẻ được khỏe mạnh khi chào đời.
Vẫn còn khó khăn
Tuy có nhiều nỗ lực nhưng công tác dân số của xã vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Trịnh Thị Thu Thơm - Trưởng Trạm Y tế xã Cam Tân, thách thức nhất hiện nay là mức sinh trong dân rất thấp, kéo theo hệ quả là tỷ lệ tăng dân số tự nhiên cũng giảm đáng kể, nhiều gia đình chỉ muốn sinh 1 con.
Hiện nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của xã luôn ở mức thấp dưới 1% và số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ đạt 1,8 con. Mức sinh thấp không chỉ làm cho tình trạng già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh hơn mà còn làm cho nguồn nhân lực suy giảm, đặc biệt là lao động trẻ, từ đó ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Do vậy, để nâng tỷ lệ tăng dân số tự nhiên và kéo giảm sự già hóa dân số, xã tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền vận động người dân sinh đủ 2 con.
Bà Lê Thị Bích Liễu - Phó Trưởng khoa Dân số -KHHGĐ, Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm cho biết, vấn đề nâng cao chất lượng dân số luôn được trung tâm tập trung thực hiện. Trong đó, sàng lọc trước khi sinh là nhiệm vụ quan trọng. Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế cơ sở tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe, khám sàng lọc, tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai. Đặc biệt, chú trọng triển khai cung cấp dịch vụ phát hiện sớm nguy cơ, phòng ngừa di truyền các bệnh nguy hiểm ở thai nhi và trẻ em, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số tại vùng khó khăn. Xã Cam Tân là một trong những điểm sáng về công tác DS của huyện nhưng không phải địa phương nào cũng đạt được kết quả như vậy. Qua đó có thể thấy, để nâng cao chất lượng dân số không chỉ là nhiệm vụ của ngành Y tế mà còn là trách nhiệm của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và toàn xã hội.
THANH TRÚC