Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư nhiều công trình ngăn mặn đem lại hiệu quả quan trọng trong việc phòng, chống lũ lụt, triều cường và nước biển dâng. Những năm tới, việc đầu tư các công trình ngăn mặn sẽ tiếp tục được triển khai.
Những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư nhiều công trình ngăn mặn đem lại hiệu quả quan trọng trong việc phòng, chống lũ lụt, triều cường và nước biển dâng. Những năm tới, việc đầu tư các công trình ngăn mặn sẽ tiếp tục được triển khai.
Hiệu quả bước đầu
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có rất nhiều điểm nhiễm mặn nằm ở hạ lưu sông, suối tiếp giáp biển. Trong đó, 6 điểm nhiễm mặn ảnh hưởng lớn được xác định là: sông Cái Nha Trang; sông Trường Cam Lâm; sông Bàu Soi (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh); sông Đá Hàn (thị xã Ninh Hòa); sông Gốc và sông Tô Giang (huyện Vạn Ninh). Ngoài ra, có rất nhiều điểm nhỏ chưa được thống kê như: ở Vạn Long, khu vực Cam Ranh, Ninh Hòa.
Thời gian qua, do nguồn vốn có hạn nên tỉnh chỉ đầu tư làm những điểm lớn, có ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống. Cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, từ các nguồn vốn Trung ương và địa phương, tỉnh đã đầu tư kè sông Tô Giang (Vạn Long), kinh phí 8 tỷ đồng; đê Ninh Hà (Ninh Hòa) kinh phí gần 65 tỷ đồng; kè sông Trường hơn 109 tỷ đồng; một số công trình nhỏ ở Vạn Ninh được xây dựng cống ngăn mặn. Hầu hết các công trình đều đang phát huy hiệu quả.
Ông Phạm Duy Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Long (Vạn Ninh) cho biết, sau khi thi công kè sông Tô Giang và kiên cố hóa một số đoạn kè xung yếu tại khu vực cửa sông 2 thôn Hải Triều và Ninh Thọ, tình hình thiệt hại do thiên tai, lũ lụt hay xâm nhập mặn đã được cải thiện rõ rệt. Người dân không còn lo lắng cảnh lũ lụt và xâm nhập mặn vào các cánh đồng lúa trong mùa mưa lũ, hay hạn hán có khi uy hiếp hàng chục héc-ta lúa. Đồng thời, việc đi lại, vận chuyển nông sản cũng thuận lợi hơn. Công trình kè sông Tô Giang ngăn mặn được tỉnh đầu tư qua 2 giai đoạn, từ năm 2017 - 2019 cơ bản hoàn thành.
Ông Nguyễn Minh Nhật - Phó Chủ tịch UBND phường Ninh Hà cũng cho hay, từ ngày công trình đê Ninh Hà được đầu tư đã góp phần ngăn chặn nạn xâm nhập mặn 2 cánh đồng Mỹ Thuận và Mỹ Trạch, với tổng diện tích trên 50ha. Trước đây, khu vực này cũng có đê ngăn mặn nhưng tạm bợ, khẩu độ hẹp, mặt đập thấp, không đảm bảo khả năng tiêu úng hay ngăn mặn. Mùa nắng, nước ngọt không đủ đẩy mặn nên nước biển xâm nhập vào tận khu vực trồng lúa, hoa màu gây thiệt hại nặng. Hiện nay, công trình đê ngăn mặn đang thực hiện những công đoạn cuối, góp phần hạn chế thiệt hại cho vùng hạ du.
Tiếp tục hoàn thiện
Bên cạnh những công trình ngăn mặn được đầu tư kiên cố, đem lại hiệu quả thiết thực, vẫn còn những công trình chưa được hoàn thiện do thiếu vốn. Theo ông Trương Ngọc Quý - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang), từ ngày tỉnh xây dựng đập tạm ngăn mặn tại cầu Vĩnh Phương, việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn có nhiều thuận lợi, giảm thiểu tác động của nước nhiễm mặn đối với sinh hoạt và sản xuất, tuy nhiên chưa bền vững. Địa phương mong tỉnh sớm khởi công đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang để người dân ổn định, phát triển sản xuất, không lo nạn xâm nhập mặn đe dọa.
Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho hay, thành phố vừa có văn bản kiến nghị tỉnh về việc đầu tư xây dựng đập ngăn mặn tại thôn Hiệp Mỹ, xã Cam Thịnh Đông. Khi nước triều dâng, nước mặn lấn sâu vào thôn Hiệp Mỹ và thôn Mỹ Thanh, uy hiếp trạm bơm Đèo Quýt, ảnh hưởng đến sản xuất lúa của 2 thôn với tổng diện tích 45ha. Đồng thời, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến nguồn nước của các khu dân cư dọc khu vực Bàu Soi của 2 thôn với 350 hộ, 1.630 nhân khẩu. Kinh phí đầu tư xây dựng đập ngăn mặn tại đây ước tính khoảng 6 tỷ đồng. Đây là nhu cầu bức thiết hiện nay tại khu vực này, góp phần ổn định đời sống nhân dân, nhất là thời kỳ hạn hán.
Về tình hình đầu tư công trình đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban quản lý Dự án phát triển tỉnh cho hay, đơn vị tư vấn đã lập mô hình thủy lực của dự án đập ngăn mặn, triển khai thiết kế bản vẽ thi công - dự toán để trình thẩm định, phê duyệt. Dự kiến, công trình sẽ được đấu thầu và ký hợp đồng thi công vào quý III năm 2020. Hiện nay, Ban quản lý cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng. Giai đoạn 2019 - 2021, dự án được Trung ương bố trí vốn khoảng 212 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Đối với việc đầu tư đập ngăn mặn Hiệp Mỹ, Cam Thịnh Đông, ông Quách Thanh Sơn - Giám đốc Ban quản lý các dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, hiện dự án đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các thành viên UBND tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh xin chủ trương và kinh phí. Một số công trình khác như: đập Bàu Soi đã đưa vào quy hoạch nhưng thiếu vốn; đập Đá Hàn cũng đang được xem xét để đầu tư…
VĨNH LẠC