11:04, 09/04/2020

Nỗi lo cháy rừng

Hiện nay, lâm phận của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) đang đứng trước nguy cơ cháy cao. Nguyên nhân chủ yếu do việc phát đốt nương rẫy của người dân địa phương.

Hiện nay, lâm phận của Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (Công ty Lâm sản Khánh Hòa) đang đứng trước nguy cơ cháy cao. Nguyên nhân chủ yếu do việc phát đốt nương rẫy của người dân địa phương.

Liên tục tuần tra


Giữa trưa nắng gắt, lực lượng quản lý, bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty Lâm sản Khánh Hòa liên tục tuần tra trên các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy, nhất là các khu vực giáp ranh với nương rẫy của người dân địa phương. Ông Nguyễn Đình Tấn - Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng công ty cho biết: “Hiện đang là thời điểm các hộ đồng bào dân tộc thiểu số phát nương, đốt rẫy, chờ mưa giông xuống để trồng trọt. Các hộ đốt rẫy không báo với chính quyền địa phương, cơ quan chức năng nên rất khó kiểm soát. Mỗi ngày, các khu vực giáp ranh với lâm phận của công ty có hàng chục vụ đốt rẫy như vậy, thấy khói bốc lên chỗ nào là chúng tôi phải cử người đến kiểm tra ngay nơi ấy để đề phòng cháy lan vào rừng”.

 

Lực lượng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa kịp thời phát hiện việc đốt rẫy của người dân,  ngăn chặn cháy lan vào rừng.

Lực lượng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa kịp thời phát hiện việc đốt rẫy của người dân, ngăn chặn cháy lan vào rừng.


Trong khi trao đổi với chúng tôi, ông Tấn liên tục nhận điện thoại từ các đội quản lý bảo vệ rừng của công ty báo cáo tình hình đốt rẫy có nguy cơ cháy lan vào rừng tại các địa phương như: dọc tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng (địa phận xã Sơn Thái), khu vực các xã: Giang Ly, Khánh Thượng, Khánh Phú, Khánh Thành… Thấy nguy cơ cháy lan từ rẫy sang đất rừng tại khu vực tuyến đường đèo Khánh Lê - Lâm Đồng cao, ông Tấn điều thêm nhân viên trực cháy đến khu vực Km47 + 100 trên tuyến đường đèo để ngăn đám cháy.


Tại hiện trường, chúng tôi ghi nhận đám cháy xuất phát từ diện tích rẫy đã được một hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Giang Ly phát dọn từ trước, cây đã khô khốc, đang bốc khói nghi ngút. Thấy nguy cơ cháy lan vào diện tích rừng tự nhiên gần đó, lực lượng của Công ty Lâm sản Khánh Hòa vội lao vào phát dọn đường ranh để cản lửa, dùng bình chữa cháy đeo vai để chữa những đám cháy nhỏ vừa lan sang diện tích đất rừng. Theo các nhân viên quản lý bảo vệ rừng của công ty, nếu không phát hiện kịp thời, chắc chắn ngọn lửa đốt rẫy sẽ lan sang diện tích đất rừng tự nhiên trên tuyến đường này. Trước đó hơn 10 ngày, dọc tuyến đường đèo này cũng đã xảy ra 1 vụ cháy lan do đốt rẫy, rất may diện tích cháy chủ yếu là đất trống, cỏ tranh, lau lách, thiệt hại tài nguyên rừng không đáng kể.

Tập trung công tác phòng cháy


Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cho hay: “Hiện nay, công ty được Nhà nước giao quản lý hơn 41.400ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp tại địa bàn huyện Khánh Vĩnh, trong đó có hơn 31.900ha rừng tự nhiên, hơn 2.800ha rừng sản xuất, hơn 6.600ha đất lâm nghiệp. Nguy cơ cháy rừng rất lớn bởi nhiều diện tích tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông, đặc biệt là các khu vực giáp ranh với nương rẫy của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi mong muốn chính quyền cơ sở tăng cường tuyên truyền để người dân khi đốt rẫy cần đúng thời gian và phải báo cho cơ quan chức năng để giám sát theo quy định. Chỉ có chủ động nắm bắt việc đốt rẫy của người dân, chúng tôi mới có thể chủ động được việc phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong cao điểm mùa khô năm nay”.


Được biết, trong lâm phận của Công ty Lâm sản Khánh Hòa có nhiều khu vực trọng điểm dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng 2 - 3 năm tuổi, thực bì dưới tán rừng lớn, nguy cơ cháy cao; trong khi các diện tích rừng này lại tiếp giáp với nương rẫy của người dân địa phương. Cụ thể, vùng Khánh Phú - Sông Cầu có hơn 1.100ha; vùng Khánh Thành - Cầu Bà hơn 3.450ha; vùng Khánh Thượng - Giang Ly - Sơn Thái gần 3.460ha. Từ việc xác định khu vực có nguy cơ cháy cao, công ty đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phòng, chống cháy rừng. Tuy nhiên, điều đáng lo hiện nay là hiệu quả công tác PCCCR chưa cao do chủ yếu sử dụng phương tiện, dụng cụ thô sơ để chữa cháy. Vì vậy, để hạn chế thiệt hại do cháy rừng gây ra, nhất là sau vụ cháy rừng gây thiệt hại khoảng 100ha rừng trồng năm 2018, công ty đang nỗ lực thực hiện tốt công tác phòng cháy. Bên cạnh kiện toàn lực lượng, trang thiết bị PCCCR, tuyên truyền vận động nhân dân nâng cao nhận thức về công tác PCCCR, nhất là các hộ sinh sống gần rừng, trong rừng, đốt nương làm rẫy…, công ty xác định rõ nguy cơ cháy rừng kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8, thời điểm dễ cháy từ khoảng 9 giờ đến 15 giờ hàng ngày để tập trung tối đa cho công tác phòng cháy. Đơn vị cũng chú trọng diện tích rừng có nguy cơ cháy cao, nhất là rừng tiếp giáp với nương rẫy của người dân.


HẢI LĂNG