10:03, 09/03/2020

Quản lý cơ sở kinh doanh hóa chất độc hại, nguy hiểm: Còn nhiều khó khăn

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh hóa chất độc hại, nguy hiểm phải xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Tuy nhiên, tại Khánh Hòa, hầu hết các cơ sở này quy mô nhỏ nên việc thực hiện còn hạn chế.  
 

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh hóa chất độc hại, nguy hiểm phải xây dựng biện pháp, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Tuy nhiên, tại Khánh Hòa, hầu hết các cơ sở này quy mô nhỏ nên việc thực hiện còn hạn chế.  
 
Hầu hết các cơ sở có quy mô nhỏ 
 
Theo lãnh đạo Sở Công Thương, hiện nay, toàn tỉnh có  khoảng 30 cơ sở kinh doanh hóa chất độc hại, nguy hiểm và 100 cơ sở sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm. Các cơ sở kinh doanh hóa chất độc hại, nguy hiểm trên địa bàn tỉnh không đầu tư kho chứa hóa chất lớn, chỉ ở quy mô vừa và nhỏ. Một số cơ sở không lưu trữ hóa chất mà chỉ có hình ảnh đại diện, khi nào có đơn hàng thì vận chuyển thẳng từ bên bán đến bên sử dụng như: Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Nam Trung bộ, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bắc bán đảo Cảm Ranh... Các doanh nghiệp sử dụng hóa chất nguy hiểm, độc hại với số lượng lớn như: axit, khí clo, amoniac… được đặt mua trực tiếp từ nhà cung cấp tại TP. Hồ Chí Minh. Do đó, đa số doanh nghiệp kinh doanh hóa chất nguy hiểm, độc hại trên địa bàn tỉnh tồn trữ hóa chất với số lượng không lớn. 

 

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Công ty Cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam, chi nhánh Nam Trung bộ.
Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất tại Công ty Cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam, chi nhánh Nam Trung bộ.
 
Công ty Cổ phần Kinh doanh khí Miền Nam, Chi nhánh Nam Trung bộ được xem là đơn vị kinh doanh hóa chất lớn nhất tỉnh, chức năng chính là vận chuyển, tồn trữ, chiết nạp khí gas. Sức chứa của kho lên tới 80 tấn LPG. Nhận thức được quy mô, tính chất nguy hiểm khi xảy ra các sự cố rò rỉ, cháy nổ liên quan đến khí gas, công ty đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, trình Bộ Công Thương phê duyệt. Nhiều giải pháp phòng ngừa được quan tâm như: xây dựng quy trình, hướng dẫn vận hành an toàn tại các khu vực, phòng cháy chữa cháy; bảo dưỡng, kiểm định máy móc thiết bị, giảm thiểu sai sót, hư hỏng; kiểm tra, giám sát các nguồn có nguy cơ cao; diễn tập phương án ứng phó sự cố hóa chất… Về trang bị, đơn vị đã sẵn sàng các phương tiện, dụng cụ ứng phó như: máy bơm cứu hỏa, bình, vòi chữa cháy các loại, các hệ thống báo cháy, làm mát, mặt nạ phòng độc, quần áo bảo hộ, chống cháy… Ngoài ra, đơn vị còn xây dựng lực lượng trực tiếp ứng phó và huy động các đơn vị khác hỗ trợ khi cần. 
 
Còn bất cập
 
Theo đánh giá của Sở Công Thương, qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở kinh doanh, sử dụng hóa chất độc hại, nguy hiểm cho thấy: Vẫn còn tình trạng một số đơn vị, cơ sở chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất. Nhiều doanh nghiệp chưa cập nhật đầy đủ thông tin phiếu an toàn hóa chất, phiếu kiểm soát mua bán hóa chất độc hại, chưa xây dựng nội quy an toàn hóa chất cho cơ sở, hóa chất chưa ghi nhãn đầy đủ, không sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất, bố trí hóa chất trong kho chưa đảm bảo an toàn theo đúng quy định hiện hành… Đặc biệt, hiện tượng hóa chất rơi vãi tại khu sản xuất gây nguy hiểm đến sức khỏe con người có thể xảy ra. Ngoài ra, một số đơn vị kinh doanh hóa chất độc hại, nguy hiểm còn nằm xen lẫn trong khu dân cư; một số chưa xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất tại đơn vị, chưa thực hiện tốt việc huấn luyện an toàn hóa chất định kỳ và diễn tập ứng phó sự cố hóa chất theo đúng quy định, làm hạn chế khả năng ứng phó tại chỗ khi có sự cố hóa chất xảy ra. 
 
Ông Nguyễn Xuân Mạnh - Quyền Trưởng phòng Quản lý công nghiệp và môi trường, Sở Công Thương cho hay, hiện nay, bên cạnh một số đơn vị kinh doanh, sử dụng hóa chất làm tốt công tác ứng phó, vẫn còn nhiều đơn vị chưa quan tâm vấn đề này, nhất là các đơn vị kinh doanh nhỏ, nhân viên thường xuyên biến động, thay đổi nên chưa cập nhật được việc đào tạo, tập huấn kiến thức. Đặc biệt, hiện nay, công tác thanh, kiểm tra gặp nhiều khó khăn sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị 20 (ngày 17-5-2017) về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp. Theo đó, để tránh phiền hà cho doanh nghiệp, Chính phủ yêu cầu các địa phương không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp hơn 1 lần/năm nên khó có thể bổ sung thiếu sót và xử lý vi phạm kịp thời ở các doanh nghiệp. 
 
Thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường phối hợp công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành trong lĩnh vực hóa chất, kịp thời phát hiện các cơ sở có nguy cơ gây mất an toàn hóa chất và xử lý các cơ sở vi phạm theo quy định của pháp luật.
 
V.L