Ngày 20-3, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức tư vấn phản biện phương án phân vùng mặt nước neo đậu và tổ chức giao thông đường thủy Bến tàu du lịch Nha Trang (phường Vĩnh Trường).
Ngày 20-3, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh tổ chức tư vấn phản biện phương án phân vùng mặt nước neo đậu và tổ chức giao thông đường thủy Bến tàu du lịch Nha Trang (phường Vĩnh Trường).
Đề xuất 3 phương án
Tại buổi phản biện, Công ty Cổ phần Du lịch Hòn Một đưa ra 3 phương án bố trí tuyến luồng và khu neo đậu của Bến tàu du lịch Nha Trang. Theo đó, phương án 1: tuyến luồng vào bến tàu du lịch sẽ đi chung với tuyến luồng kéo dài của dự án Khu neo đậu tránh trú bão sông Tắc - Hòn Rớ (có bề rộng 60m). Khu neo đậu cho tàu của bến tàu du lịch nằm phía trái của luồng. Phương án 2: tuyến luồng vào bến tàu du lịch rộng 45m, song song và cách tuyến luồng kéo dài của dự án Khu neo đậu tránh trú bão sông Tắc - Hòn Rớ 10m; khu neo đậu cho tàu của bến tàu du lịch nằm phía trái của luồng. Phương án 3: tuyến luồng vào bến tàu du lịch rộng 45m, song song và cách tuyến luồng kéo dài của dự án Khu neo đậu tránh trú bão sông Tắc - Hòn Rớ 60m. Khu neo đậu cho tàu nằm hai phía của luồng bến tàu du lịch.
Sau khi cân nhắc, phân tích, đơn vị tư vấn thiết kế kiến nghị lựa chọn phương án 3 để đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tránh xung đột và ảnh hưởng giữa phương tiện tàu cá và tàu du lịch. Với phương án này, số lượng tàu có thể neo đậu từ 320 đến 420 tàu. Trong trường hợp quy mô bến du lịch tăng, hoặc mở rộng có thể neo đậu khu vực bên ngoài cửa sông Tắc chạy dọc theo khu đô thị biển An Viên, với diện tích mở rộng thêm khoảng 4,5ha. Như vậy, với diện tích vùng nước khoảng 12ha, đảm bảo cho việc hoạt động và neo đậu của các tàu du lịch (đội tàu du lịch hiện nay trên vịnh Nha Trang là 420 tàu).
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn thiết kế, khu nước của bến tàu du lịch không ảnh hưởng tới việc neo đậu tàu tránh trú bão đã được phê duyệt. Trong mùa mưa bão, toàn bộ vùng nước của bến tàu du lịch sẽ dành cho công tác neo đậu tránh trú bão khi có yêu cầu.
Lựa chọn phương án 2
Sau khi nghiên cứu báo cáo của chủ đầu tư, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế cần bổ sung cơ sở khoa học và thực tiễn, đồng thời lấy ý kiến tham vấn cộng đồng về việc dịch chuyển vị trí neo đậu của 157 tàu cá về phía cầu Bình Tân. Đơn vị cũng lưu ý thói quen của người dân vào mùa mưa bão vì đã có nhiều phương tiện thủy nội địa loại nhỏ neo đậu tại vùng nước thượng lưu của dòng sông (phía trên cầu Bình Tân).
Theo ông Bùi Mau - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh, qua thảo luận, các thành viên trong tổ tư vấn thống nhất chọn phương án 2. Phương án 2 hơn phương án 1 bởi thiết kế phân luồng cho hoạt động thủy nội địa, tránh sự va chạm giữa tàu du lịch với tàu cá khi vận hành ra vào cảng, bảo đảm an toàn cho hoạt động giao thông đường thủy nội địa tại khu vực này. Đồng thời, phương án 2 cũng có ưu điểm hơn phương án 3, vì khu neo đậu của phương tiện thủy nội địa được thiết kế thống nhất, tập trung về một phía của luồng chứ không chia làm hai khu riêng biệt như phương án 3, do đó sẽ tránh được xung đột trong giao thông thủy, cũng như tránh được tình trạng phương tiện thủy neo đậu lấn chiếm vào phạm vi luồng.
Ông Phạm Văn Chương - Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Nha Trang lưu ý, đơn vị tư vấn thiết kế bổ sung tọa độ tại vị trí giới hạn vùng neo đậu, luồng tàu; phải bố trí vị trí lắp đặt phao báo hiệu theo quy định. Đồng thời, đơn vị tư vấn cần đề xuất việc công bố xác định luồng chạy do đơn vị nào quản lý để thuận lợi trong việc duy tu, nạo vét tuyến luồng.
MẠNH HÙNG
Hiện nay, tại phường Vĩnh Trường có 524 chủ tàu, trong đó có 157 chủ tàu cá neo đậu tại vùng nước xung quanh bến tàu du lịch. Theo các phương án được đưa ra, 157 tàu cá này sẽ dịch về phía cầu Bình Tân, cách vị trí neo đậu hiện nay khoảng 500 đến 700m, khu vực sông rộng và có độ sâu đảm bảo cho công tác neo đậu tàu cá. Theo đánh giá, khu vực sông Tắc, trong phạm vi neo đậu tránh trú bão có thể đáp ứng cho khoảng 1.400 tới 1.800 phương tiện neo đậu khi tránh trú bão.
Bến tàu du lịch Cầu Đá được quy hoạch di dời về phường Vĩnh Trường và UBND tỉnh thống nhất, phê duyệt theo đồ án Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu dân cư phường Vĩnh Nguyên và Khu dân cư phường Phước Long - Vĩnh Trường tại Quyết định số 1631 ngày 28-5-2019. Việc đầu tư xây dựng Bến tàu du lịch Nha Trang được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tại Thông báo số 501 ngày 27-6-2019 và UBND tỉnh triển khai thực hiện tại văn bản số 6704 ngày 9-7-2019. Ngày 23-7-2019, Sở Giao thông vận tải có văn bản số 1722 chấp thuận chủ trương xây dựng bến thủy nội địa thuộc dự án Đầu tư các tuyến đường, hạ tầng kỹ thuật bến tàu du lịch và các công trình phụ trợ trong khu vực điều chỉnh quy hoạch, tại phường Vĩnh Trường. Theo đó, phạm vi vùng đất và vùng nước sử dụng như sau: bến tàu du lịch Nha Trang có chiều dài 400m (dọc theo bờ), diện tích vùng đất sử dụng 15.419m2 (trong đó diện tích bến tàu du lịch là 5.562m2, diện tích bãi đỗ xe 9.857m2) và chiều rộng 150m từ mép cầu bến trở ra.