Thời gian này, hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị mất việc làm khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều người đã cố gắng đi tìm công việc mới phù hợp nhưng không có đơn vị nào tuyển dụng.
Thời gian này, hàng nghìn lao động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị mất việc làm khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhiều người đã cố gắng đi tìm công việc mới phù hợp nhưng không có đơn vị nào tuyển dụng.
Cuộc sống khó khăn
Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) là nhân viên của Công ty Cổ phần Ponaga, do không có khách nên công ty đóng cửa và đã chấm dứt hợp đồng lao động với chị. Chị chia sẻ: “Cả 2 vợ chồng tôi đều làm trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, mỗi tháng được hơn 15 triệu đồng. Bây giờ mất việc làm nên không còn lương để lo cho cuộc sống của cả gia đình 4 nhân khẩu. 2 con còn nhỏ, do dịch bệnh phải nghỉ học ở nhà nên tôi cũng không đi tìm công việc khác được. Đã hơn 2 tháng nay, gia đình phải sử dụng gần hết khoản tiền tiết kiệm, nếu tình hình này còn kéo dài, không biết vợ chồng tôi phải xoay xở ra sao”…
Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay vẫn chưa có thống kê cụ thể về số người lao động trên địa bàn tỉnh bị mất việc làm do dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, qua tiếp nhận xét duyệt hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thì từ đầu năm đến nay đã có hơn 3.600 người đăng ký. Riêng từ ngày 1 đến 20-3, có hơn 1.600 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Phần lớn người lao động đăng ký hưởng trợ cấp làm ở các công ty, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó, một lượng lớn lao động thời vụ, tự do cũng bị ảnh hưởng đến nguồn thu nhập khiến cuộc sống rơi vào khó khăn.
Khó tìm việc làm mới
Dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường tuyển dụng lao động trở nên trầm lắng khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động cũng khó khăn. Chị Trần Thanh Trúc Quỳnh cho biết: “Tôi đã trực tiếp tới 10 quán cà phê xin việc làm theo ca nhưng họ từ chối vì không có nhu cầu. Tại các trung tâm dịch vụ việc làm chỉ có một vài đơn vị dán thông báo tuyển dụng công nhân may mặc, kế toán, bảo vệ… Trong khi đó, tôi tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý nhà hàng, bây giờ xin đi làm những ngành nghề đó lại không phù hợp và không có tay nghề, kinh nghiệm”.
Ông Nguyễn Văn Khả - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay khá trầm lắng, chỉ có một vài doanh nghiệp dệt may, chế biến thủy sản, dịch vụ chuyển phát hàng có nhu cầu tuyển dụng nhưng số lượng khá hạn chế. Từ đó, khiến cơ hội tìm kiếm việc làm của người lao động bị thu hẹp, nhất là những lao động mới bị mất việc làm rất khó kiếm được công việc mới. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tư vấn việc làm, học nghề, định hướng nghề nghiệp cho hơn 2.000 người, trong đó phần lớn là những người lao động đến trung tâm đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Qua đó, có hơn 300 người tìm được việc làm. Tuy nhiên, đa số những người có việc làm đều không hài lòng vì không đúng chuyên môn. Họ chấp nhận làm tạm thời để có thu nhập trang trải cuộc sống, chờ dịch bệnh qua đi sẽ đi tìm công việc khác…
VĂN GIANG