Trường Sĩ quan Không quân được giao nhiệm vụ huấn luyện bay, đào tạo học viên phi công quân sự từ lý thuyết ở mặt đất đến hoàn chỉnh đề cương huấn luyện trên máy bay. Trong quá trình huấn luyện, các học viên được trang bị đầy đủ những phẩm chất tâm lý cần thiết, khả năng tư duy sáng tạo và tính quyết đoán cao, ứng dụng thực hành chiến đấu giỏi, để khi tốt nghiệp ra trường có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Trường Sĩ quan Không quân được giao nhiệm vụ huấn luyện bay, đào tạo học viên phi công quân sự từ lý thuyết ở mặt đất đến hoàn chỉnh đề cương huấn luyện trên máy bay. Trong quá trình huấn luyện, các học viên được trang bị đầy đủ những phẩm chất tâm lý cần thiết, khả năng tư duy sáng tạo và tính quyết đoán cao, ứng dụng thực hành chiến đấu giỏi, để khi tốt nghiệp ra trường có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Nghề đặc biệt
Người ta thường nói, nghề bay là một nghề đặc biệt. Để trở thành phi công lái máy bay đã khó, trở thành người thầy hướng dẫn, kèm cặp học viên phi công đến khi tốt nghiệp ra trường còn khó hơn nhiều. Đại tá Vũ Đức Quý - Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân cho biết, muốn trở thành phi công, bên cạnh tiêu chuẩn về trình độ học vấn, chính trị, thể lực, đòi hỏi học viên phi công phải có bản lĩnh vững vàng, linh hoạt, phản xạ nhanh và mỗi động tác phải thật khéo léo, chính xác. Khi đã trở thành phi công và “người thầy dạy bay”, ngoài những yếu tố về chuyên môn, phẩm chất đạo đức, người giảng viên bay còn phải nghiêm túc trong giảng dạy, hướng dẫn, có đức tính dịu dàng, nói đủ nghe và không bao giờ nổi nóng. Bởi nếu nổi nóng sẽ làm cho học viên cuống và dễ mất bình tĩnh khi thực hành bay dẫn đến thao tác sai hơn. Do vậy, để đào tạo được đội ngũ phi công quân sự là cả một quá trình phấn đấu liên tục giữa nhà trường và học viên với yêu cầu cao về chất lượng, có sự quản lý chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu, các bước của quy trình, mục tiêu đào tạo.
Do đặc thù và tính chất công việc, mỗi giảng viên bay ở Trường Sĩ quan Không quân chỉ hướng dẫn từ 2 đến 3 học viên trong một khóa huấn luyện. Bởi vì đây không phải là một nghề mà cứ học là làm được, mà điều quan trọng nhất là cả thầy và trò phải dày công khổ luyện ở mặt đất lẫn trên không thì mới mong trở thành phi công. Hơn nữa, yêu cầu cao về chất lượng cũng là một đặc trưng của đào tạo phi công, đặc biệt là trong giai đoạn thực hành bay. Ngoài việc huấn luyện các bài bay theo yêu cầu, các giảng viên còn phải được bồi dưỡng năng lực sư phạm, những kinh nghiệm hay giữa dạy nghề, dạy người. Đối với giảng viên mới, đơn vị thực hiện chế độ tăng giờ bay và có các giảng viên giàu kinh nghiệm, bay giỏi trực tiếp kèm cặp giúp đỡ, đồng thời duy trì và thực hiện có nề nếp việc giảng mẫu, giảng thử, giảng kiểm tra, giảng bình sau mỗi chuyến bay, ban bay... để giảng viên mới đúc rút kinh nghiệm.
Trung tá Nguyễn Hàm Kiên - Phi đội trưởng Phi đội 2, Trung đoàn 920 cho biết: Thực tế cho thấy, học viên lần đầu tiếp xúc với điều kiện hoạt động bay trên không, kinh nghiệm còn mỏng nên tâm lý thường không ổn định, dễ thực hiện sai động tác hoặc động tác điều khiển bị thô, cứng. Để hướng dẫn kèm cặp học viên được tốt, người giảng viên không chỉ có sức khỏe tốt, kiến thức chuyên môn vững vàng mà quan trọng hơn cả là phải tâm huyết với nghề.
Đổi mới để nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo
Là 1 trong 8 học viện, nhà trường được Bộ Quốc phòng xác định xây dựng trường trọng điểm và được đầu tư xây dựng nhà trường thông minh tiếp cận công nghệ 4.0. Năm 2020, Trường Sĩ quan Không quân xác định xây dựng Trường “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại”, lấy chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam trong các hoạt động, tạo điều kiện cho công tác huấn luyện bay và giáo dục - đào tạo được toàn diện, chất lượng được nâng cao, bảo đảm học viên sau khi ra trường đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, khai thác và làm chủ vũ khí, khí tài trang bị ngày càng hiện đại, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Cùng với việc đổi mới nội dung, chương trình, quy trình đào tạo và phương pháp dạy học theo hướng tích cực cho các đối tượng cả về bề rộng lẫn chiều sâu, nhà trường còn xác định kiện toàn và phát triển đội ngũ giảng viên đạt chuẩn về ngoại ngữ, tin học, triết học, sư phạm. Đại tá Ngô Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân cho biết: Với yêu cầu xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại thì vai trò của công tác đào tạo phi công quân sự càng được khẳng định rõ nét, đòi hỏi nhà trường phải tích cực đổi mới, cập nhật kịp thời các loại vũ khí trang bị mới, hiện đại. Cùng với đó là xây dựng được đội ngũ giảng viên đủ số lượng, hợp lý về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ học vấn, năng lực sư phạm và kinh nghiệm thực tiễn; thường xuyên trau dồi kiến thức ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Nga, tiếng Anh chuyên ngành kỹ thuật hàng không cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên phi công để kịp thời nắm bắt và làm chủ các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại.
Hơn 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trường Sĩ quan Không quân đã đào tạo ra hàng ngàn phi công, nhân viên kỹ thuật hàng không cho đất nước và các nước bạn Lào, Campuchia. Hiện nay, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh đổi mới phương pháp giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học, từng bước xây dựng nhà trường “Cách mạng, chính quy, chuẩn hóa, hiện đại” để xứng đáng là trung tâm đào tạo phi công, sĩ quan dù tìm kiếm cứu nạn và nhân viên kỹ thuật hàng không các chuyên ngành có uy tín, chất lượng trong khu vực.
Mai Văn Đông