10:01, 01/01/2020

Uống rượu, bia lái xe bị phạt tới 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 năm

Ngày 30-12-2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 46/2016 với nhiều điểm mới. Ông Nguyễn Trọng Hiến - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết:

Ngày 30-12-2019, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 100/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 46/2016 với nhiều điểm mới. Ông Nguyễn Trọng Hiến - Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết:

 


- Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-1. Theo quy định, hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị nghiêm cấm. Đây cũng là điểm mới so với trước đây. Nghị định mới cũng tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy. Đồng thời, bổ sung quy định xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với xe mô tô theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; bổ sung quy định xử phạt đối với doanh nghiệp vận tải sử dụng người lái xe mà trong cơ thể có chất ma túy.

 

Cụ thể, đối với hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn, nghị định quy định mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô vi phạm từ 30 đến 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22 đến 24 tháng. Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6 đến 8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22 đến 24 tháng. Với người chạy xe đạp, xe thô sơ mức phạt 400.000 - 600.000 đồng.


Ngoài việc tăng mức phạt vi phạm nồng độ cồn, Nghị định 100 cũng tăng nặng mức xử phạt đối với các nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông như: sử dụng chất ma túy, đi không đúng phần đường, làn đường, chạy quá tốc độ, đi ngược chiều, lùi xe trên đường cao tốc…


Nghị định mới cũng sửa đổi quy định về xử phạt trong trường hợp hành vi vi phạm được phát hiện thông qua sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (tại khoản 8 Điều 80 Nghị định). Theo đó, chủ phương tiện có trách nhiệm hợp tác với lực lượng chức năng khi phương tiện có liên quan đến hành vi vi phạm, nếu không hợp tác, không chứng minh hoặc giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện.


- Việc áp dụng nghị định sẽ mang lại hiệu quả như thế nào, thưa ông?


- Nghị định 100 có hiệu lực đúng vào ngày Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực. Việc bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người chạy xe đạp, xe thô sơ để có chế tài xử lý góp phần thực thi luật này.


Các quy định mới được áp dụng sẽ có tác động mạnh đến ý thức của người tham gia giao thông. Từ đây, mỗi người cần phải nhận thức và ý thức rõ những tác hại của việc uống rượu, bia khi tham gia giao thông, cần tự điều chỉnh hành vi của mình để bảo đảm an toàn cho bản thân cũng như những người khác. Vì chỉ cần uống một cốc bia thôi rồi lái xe là phạm luật, không cần tính nồng độ cồn bao nhiêu/lít khí thở như trước đây.


Nghị định có hiệu lực ngay trong năm mới, đúng dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, lực lượng chức năng sẽ ra quân xử lý nghiêm trong dịp này. Theo kế hoạch của Công an tỉnh, lực lượng cảnh sát giao thông ra quân đợt cao điểm xử lý vi phạm từ ngày 15-12-2019, trong đó chú trọng xử lý vi phạm nồng độ cồn. Không chỉ xử lý ở trên đường mà có thể lập cả chốt ở nhà hàng, quán nhậu, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Công an.


-  Xin cảm ơn ông!


MẠNH HÙNG (Thực hiện)