Vừa qua, Chính phủ điều chỉnh chính sách cho vay vốn giải quyết việc làm, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nâng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Hồ Đắc Thích - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh về việc triển khai chính sách này trên địa bàn tỉnh.
Vừa qua, Chính phủ điều chỉnh chính sách cho vay vốn giải quyết việc làm, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định nâng mức cho vay đối với học sinh, sinh viên (HS-SV). Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Hồ Đắc Thích - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh về việc triển khai chính sách này trên địa bàn tỉnh.
- Xin ông cho biết những điểm mới trong quy định cho vay vốn giải quyết việc làm và hiệu quả triển khai chương trình tín dụng này trên địa bàn tỉnh?
- Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 74 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, đối tượng cho vay của chương trình là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất, kinh doanh); người lao động. Trước đây, mức vay tối đa 1 tỷ đồng/dự án của cơ sở sản xuất, kinh doanh và 50 triệu đồng/lao động. Theo Nghị định 74, mức cho vay tối đa đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên (trước đây là 50 triệu đồng trở lên), cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định về giao dịch bảo đảm và các quy định hiện hành của NHCSXH). Đối với người lao động, mức vay tối đa là 100 triệu đồng (không phải có tài sản bảo đảm tiền vay). Lãi suất cho vay đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh; người lao động bằng lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo theo quy định pháp luật về tín dụng đối với hộ cận nghèo (hiện nay là 7,92%/năm). Một số trường hợp được cho vay với mức lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay trên, gồm: người lao động là người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người khuyết tật; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số; cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật và người dân tộc thiểu số. Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.
Nghị định 74 đã nâng thời hạn cho vay tối đa 120 tháng, so với quy định trước đây tối đa 60 tháng. Thời hạn cho vay cụ thể do NHCSXH xem xét căn cứ vào nguồn vốn, chu kỳ sản xuất, kinh doanh, khả năng trả nợ của đối tượng vay vốn để thỏa thuận với đối tượng vay vốn.
5 năm qua, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã tạo việc làm cho 11.250 lao động. Năm nay, NHCSXH tỉnh được Trung ương giao 50 tỷ đồng nguồn vốn giải quyết việc làm; trong đó, có 25 tỷ đồng mới được giao bổ sung đang thực hiện giải ngân cho người lao động theo Nghị định 74. UBND tỉnh cũng vừa có quyết định chuyển vốn ủy thác từ ngân sách cấp tỉnh cho NHCSXH tỉnh để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn. NHCSXH tỉnh đang trình Trưởng Ban đại diện HĐQT giao cho các địa phương: Cam Lâm 2 tỷ đồng, Vạn Ninh 3 tỷ đồng, Ninh Hòa 5 tỷ đồng, Nha Trang 5 tỷ đồng, Diên Khánh 5 tỷ đồng, Cam Ranh 5 tỷ đồng. Trong 11 tháng năm 2019, NHCSXH tỉnh đã giải ngân hơn 101,6 tỷ đồng với 2.339 hộ vay. Đến ngày 30-11, dư nợ cho vay vốn giải quyết việc làm gần 327,3 tỷ đồng với 9.661 hộ vay. Đến cuối năm 2019, dự kiến dư nợ đạt 372 tỷ đồng, tăng gần 90 tỷ đồng so với đầu năm, giải quyết việc làm cho hơn 2.500 lao động.
- Từ ngày 1-12, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức cho vay đối với HS-SV tối đa 2,5 triệu đồng/tháng. Xin ông cho biết cụ thể chương trình tín dụng chính sách này?
- Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1656 điều chỉnh mức cho vay quy định tại Quyết định 157 về tín dụng đối với HS-SV. Theo đó, mức cho vay cho một HS-SV tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng, áp dụng cho các khoản giải ngân mới kể từ ngày 1-12-2019. So với mức cũ đã áp dụng từ 15-6-2017 thì mức cho vay tối đa đối với HS-SV tăng thêm 1 triệu đồng/tháng. Theo hướng dẫn của NHCSXH Trung ương, đối với các khoản vay đang trong quá trình giải ngân dở dang nếu có nhu cầu vay theo mức mới, kể từ ngày 1-12-2019 được áp dụng theo mức vay mới. Lãi suất cho vay theo quy định của Chính phủ từng thời kỳ (hiện nay là 6,6%/năm); hộ vay giảm lãi tiền vay theo quy định khi trả nợ trước hạn.
Theo quy định, đối tượng được vay vốn là: HS-SV mồ côi cả cha và mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động. HS-SV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật; HS-SV mà gia đình gặp khó khăn đột xuất về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú; bộ đội xuất ngũ theo học tại các cơ sở dạy nghề của Bộ Quốc phòng và các cơ sở dạy nghề khác theo quy định; lao động nông thôn học nghề tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề và các cơ sở đào tạo nghề khác theo quy định.
Những năm qua, nguồn vốn chương trình tín dụng này đã giúp hàng ngàn HS-SV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập. 11 tháng năm 2019, NHCSXH tỉnh đã giải ngân hơn 4,3 tỷ đồng với 82 hộ vay chương trình này. Đến ngày 30-11, dư nợ cho vay vốn chương trình HS-SV gần 139,6 tỷ đồng với 5.239 hộ vay.
- Xin cảm ơn ông!
NAM DU (Thực hiện)