Từ sau cơn bão số 12 năm 2017, tình trạng phá rừng căm xe Ninh Tây rộ lên, hàng trăm gốc căm xe đã bị các đối tượng đốn hạ. Tuy Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa và cơ quan chức năng thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã có nhiều nỗ lực để giữ rừng nhưng tình trạng phá rừng vẫn chưa hạ nhiệt.
Từ sau cơn bão số 12 năm 2017, tình trạng phá rừng căm xe Ninh Tây rộ lên, hàng trăm gốc căm xe đã bị các đối tượng đốn hạ. Tuy Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa và cơ quan chức năng thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã có nhiều nỗ lực để giữ rừng nhưng tình trạng phá rừng vẫn chưa hạ nhiệt.
Rừng bị tàn phá nghiêm trọng
Theo chân nhóm tuần tra của Đội liên ngành chống phá rừng thị xã Ninh Hòa, chúng tôi lần dò theo con đường mòn trong đêm để vào rừng căm xe. “Để lọt qua được mạng lưới “đề lô” (người canh đường) của thợ rừng, chúng tôi phải tìm đủ mọi cách từ thay đổi lộ trình, xe, thời gian vào rừng… mới không bị lộ. Thậm chí ở Ninh Tây, người làm rẫy thấy bóng dáng chức năng cũng tiếp tay, điện thoại báo cho các đối tượng lâm tặc cất giấu máy cưa, ra khỏi rừng”, ông Nguyễn Văn Thịnh - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Ninh Xuân chia sẻ.
Hơn 1 giờ băng rừng, vào đến vùng lõi rừng căm xe, các cán bộ tuần tra nghe tiếng cưa máy phát ra từ phía khu vực Trại Dê (thôn Sông Búng, xã Ninh Tây). Trên đường đi hướng về khu vực này, chúng tôi bắt gặp ven đường rất nhiều gốc căm xe đã bị cưa hạ từ bao giờ, cành lá còn tươi. Khi lực lượng chức năng di chuyển đến gần khu vực căm xe bị cưa hạ, thấy động, 2 bóng đen vội tắt máy cưa, lao nhanh về phía thôn, tổ tuần tra liền bật đèn pin đuổi theo, 1 đối tượng vấp té, bỏ luôn chiếc máy cưa chạy trốn. Chúng tôi phát hiện 1 cây căm xe đã bị cưa hạ, thân bị cắt thành 2 khúc.
Ông Phan Thế Minh - Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng Ninh Tây (Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa) cho biết: “Từ sau cơn bão số 12 năm 2017 đến nay, rừng căm xe Ninh Tây liên tục bị cưa hạ. Tuy chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa thể hạ nhiệt điểm nóng này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thị xã Ninh Hòa cũng đã tổ chức cuộc họp để tìm biện pháp giữ rừng. Không chỉ tổ chức tuần tra vào ban ngày, đêm nào chúng tôi cũng len lỏi trong rừng nhưng rất khó bắt giữ đối tượng vi phạm. Với tốc độ phá rừng như hiện nay, chẳng bao lâu nữa rừng căm xe Ninh Tây sẽ biến mất”.
Tại những khu vực lân cận, chúng tôi dễ dàng quan sát được hàng chục gốc căm xe đường kính 30 - 40cm đã bị cưa hạ, mỗi cây như vậy các đối tượng chỉ lấy đi 1 hoặc 2 khúc gần gốc (dài 1,3 - 1,5m) để bán cho người mua ở Nha Trang, Ninh Hòa… Còn phần thân, ngọn, cành thì để lại hiện trường, một số đối tượng khác sẽ tiếp tục tận thu để bán cho lò hầm than.
Biện pháp bảo vệ nào hiệu quả?
Theo thống kê mới nhất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, khu vực rừng căm xe Ninh Tây được quy hoạch chức năng rừng phòng hộ có diện tích 702,59ha nhưng hiện nay chỉ có 407,52ha có rừng; đất trống, số diện tích nương rẫy xen lẫn trong rừng hơn 278ha. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 11 đến nay, lực lượng chức năng thị xã Ninh Hòa đã lập biên bản 11 vụ việc liên quan đến gỗ rừng căm xe, tạm giữ gần 14m3 gỗ tròn và hơn 2,6m3 gỗ căm xe xẻ hộp. |
Trao đổi về nguyên nhân vì sao khó giữ rừng căm xe, các cán bộ bảo vệ rừng chuyên trách tại địa phương lý giải, rừng nằm sát nhà các hộ dân, chỉ cần xách máy cưa ra sau lưng nhà là có thể cưa hạ cây. Trong khi đó, gỗ căm xe hiện nay rất được ưa chuộng, trị giá lên đến hơn 10 triệu đồng/m3, mỗi đêm chỉ cần cưa 1 cây là có ngay tiền triệu nên rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Tây tham gia khai thác gỗ căm xe trái pháp luật. Không chỉ khai thác gỗ, cành, ngọn cũng được tận thu để bán cho các lò hầm than củi với giá 1.000 đồng/kg. Mặc dù lực lượng chức năng của thị xã Ninh Hòa tuần tra liên tục cả ngày lẫn đêm nhưng các đối tượng khai thác lâm sản trái phép cấu kết, phân chia địa bàn, phân công nhiệm vụ một cách bài bản… Tuần tra khu vực này thì khu vực khác lại nghe thấy tiếng máy cưa.
Để bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây, UBND thị xã Ninh Hòa đã thành lập Đội liên ngành chống phá rừng căm xe Ninh Tây; Chi cục Kiểm lâm đã tăng cường thêm cán bộ kiểm lâm hỗ trợ cho đội liên ngành. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng phá rừng căm xe vẫn chưa thể xử lý dứt điểm, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số xã Ninh Tây và các xã lân cận vẫn tìm đến khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Qua tuần tra hàng ngày, cơ quan chức năng vẫn tiếp tục phát hiện rừng căm xe bị triệt hạ, nặng nhất là khu vực các thôn Sông Búng và Buôn Tương. “Liên tục thay đổi chiến thuật để tuần tra, xử lý nhưng tình trạng phá rừng căm xe vẫn rất khó giải quyết”, ông Nguyễn Văn Thịnh nói.
Ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa cho biết, việc bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây vô cùng khó khăn, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách không ít lần bị đe dọa. Muốn giữ rừng, phải điều tra xử lý nghiêm các đối tượng đầu nậu, thu mua, vận chuyển căm xe trái pháp luật, bởi đây là gốc rễ của vấn nạn phá rừng căm xe. Bên cạnh sự tuần tra của các lực lượng chức năng, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cơ sở trong việc giáo dục tuyên truyền người dân địa phương không phá rừng, tiếp tay cho lâm tặc. Về lâu dài, phải lập dự án nông lâm kết hợp để kêu gọi tổ chức, cá nhân đầu tư, từ đó tạo việc làm ổn định cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
HẢI LĂNG