10:12, 08/12/2019

Đồng hành với sự nghiệp dân số và phát triển

Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm nay có chủ đề "Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước". Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho biết:

Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm nay có chủ đề “Đồng hành cùng sự nghiệp dân số và phát triển vì sự phồn vinh của đất nước”. Bà Trần Thị Kim Oanh - Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh cho biết:

- Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số và kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam, Chi cục Dân số sẽ phối hợp với các đơn vị triển khai các hoạt động như: Lễ mít tinh kỷ niệm ngày Dân số Việt Nam, lồng ghép tổ chức hội nghị tổng kết công tác dân số - KHHGĐ năm 2019; tổng kết Chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động hỗ trợ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ tại các xã có mức sinh cao, xã khó khăn năm 2019; sơ kết đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hành động về bình đẳng giới. Đồng thời, tham mưu Sở Y tế tổ chức hội nghị ký cam kết “Không thông báo, lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” cho các cơ sở y tế tư nhân.


Bên cạnh đó, triển khai các loại hình cung cấp dịch vụ, tổ chức tư vấn và khám sức khỏe, phát thuốc, tặng quà cho người cao tuổi; truyền thông nâng cao năng lực có tổ chức giám sát, hỗ trợ các câu lạc bộ tiền hôn nhân; tổ chức các lớp tập huấn sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cán bộ y tế. Ngoài ra, phối hợp với cơ quan truyền thông đại chúng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự tuyên truyền chủ đề và nội dung Tháng hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam...


Tại các địa phương, tùy theo tình hình thực tế, mỗi đơn vị cũng triển khai tổ chức hội nghị, tọa đàm, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, nói chuyện chuyên đề cho các nhóm đối tượng: phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ mang thai, thanh niên và vị thành niên, nam giới, người cao tuổi, người có uy tín trong cộng đồng; đưa các thông tin, thông điệp truyền thông về DS-KHHGĐ trên hệ thống loa truyền thanh xã.


- Để giải quyết những khó khăn, tồn tại trong công tác DS-KHHGĐ, chính quyền và người dân cần tập trung vấn đề gì, thưa bà?


- Trước hết, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác DS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông, giáo dục với nội dung, hình thức và cách tiếp cận phù hợp với từng vùng, từng nhóm đối tượng, đặc biệt là vùng khó khăn, vùng khó tiếp cận, đồng thời truyền thông thay đổi hành vi để các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận quy mô gia đình nhỏ đủ 2 con khỏe mạnh. Song song với việc từng bước khống chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ngày càng có xu hướng gia tăng, vấn đề này cần có sự chung tay đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể và các tổ chức xã hội; tiếp tục triển khai hiệu quả hơn và có chiến lược cụ thể cho các mô hình, đề án “Sàng lọc trước sinh, sơ sinh”, “Tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ DS-KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2016 - 2020”, “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng”. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực cho đội ngũ những người làm công tác dân số, đa dạng hóa các hình thức truyền thông trực tiếp. Cuối cùng, cần đẩy mạnh xã hội hóa công tác dân số để công tác này trở thành hành động của toàn cộng đồng dân cư, đồng thời nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và có hình thức khen thưởng kịp thời, khuyến khích nhân rộng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.


- Xin cảm ơn bà!


T.TRÚC (Thực hiện)