10:12, 05/12/2019

Chương trình mỗi xã một sản phẩm: Tập trung công tác tuyên truyền

Quá trình triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, ngoài việc xác định được các sản phẩm thế mạnh, không ít khó khăn đã được chỉ ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới.

Quá trình triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh, ngoài việc xác định được các sản phẩm thế mạnh, không ít khó khăn đã được chỉ ra. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới.


Định hình sản phẩm


Tháng 10-2018, UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện OCOP giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này là kết quả của cả một quá trình thống kê, rà soát, xác định được 29 sản phẩm chủ lực có thể tham gia chương trình. Qua năm 2019, danh mục sản phẩm OCOP được bổ sung thêm 9 sản phẩm, nâng số sản phẩm tham gia OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 lên 38 sản phẩm.

 

Một số nông sản tiêu biểu của Khánh Hòa tại hội thảo nông nghiệp 2018.

Một số nông sản tiêu biểu của Khánh Hòa tại hội thảo nông nghiệp 2018.


Có thể kể đến khá nhiều nông sản của Khánh Hòa đã khá quen thuộc trên thị trường như: xoài, bưởi, sầu riêng, dừa xiêm, tỏi sẻ… Phần lớn trong số đó những năm gần đây đã xây dựng được quy trình sản xuất an toàn, VietGAP, được tổ chức sản xuất dưới mô hình kinh tế tập thể của tổ hợp tác hoặc hợp tác xã.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi đã định hình được các sản phẩm chủ lực có thể tham gia OCOP, 1 năm qua, việc tổ chức các hội nghị hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch OCOP trên địa bàn tỉnh được tập trung triển khai. Bên cạnh đó, còn tổ chức học tập kinh nghiệm ở Quảng Nam, hướng dẫn cho các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện… Đặc biệt, trong quá trình xây dựng kế hoạch kinh doanh và hoàn thiện các sản phẩm tham gia OCOP năm 2019, các chủ thể sản xuất luôn có sự trợ giúp, hướng dẫn kịp thời từ các sở, ngành, địa phương.


Năm 2019, trong số hơn 12 tỷ đồng triển khai OCOP, ngân sách nhà nước đảm nhận hơn 4,4 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các chủ thể sản xuất. Phần lớn kinh phí được dùng vào việc tập trung tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn đăng ký ý tưởng sản phẩm và hỗ trợ tập huấn.

Còn nhiều khó khăn


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cơ quan thường trực OCOP tỉnh, đây là chương trình mới, nội dung thực hiện liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Do đó, trong quá trình thực hiện còn một số khó khăn, như: phần lớn sản phẩm đều được sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, tính liên kết thấp, hạn chế về tư duy thị trường; các chủ thể sản xuất chưa chủ động trong phân phối và tiếp thị sản phẩm, chưa có kinh nghiệm trong xây dựng ý tưởng sản phẩm, phương án kinh doanh.


Ở nguyên nhân khách quan, mặc dù tỉnh, huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhưng nhiều biểu mẫu, hồ sơ tham gia chương trình còn gây khó khăn cho các chủ thể sản xuất. Chưa kể các biểu mẫu, hồ sơ này còn thường xuyên thay đổi (đã thay đổi 3 lần). Ngoài ra, đối với việc thẩm định phương án kinh doanh tại bước 3 của chu trình OCOP, hiện chưa hướng dẫn cụ thể cách thức thẩm định, tiêu chí đánh giá, thẩm định phương án kinh doanh cũng như không có quy định cho phép thuê đơn vị tư vấn để thẩm định. Bởi vậy, theo chu trình thực hiện OCOP là 6 bước gồm: tuyên truyền hướng dẫn; nhận ý tưởng sản phẩm; nhận phương án kinh doanh; triển khai phương án kinh doanh; đánh giá và xếp hạng; xúc tiến thương mại; đến hết tháng 11-2019, các địa phương mới thực hiện đến bước 3 do công tác thẩm định phương án kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiến độ triển khai đánh giá vì vậy chưa theo kế hoạch.


Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, bên cạnh tham gia các lớp đào tạo về OCOP do Trung ương tổ chức; sở tiếp tục mời Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương vào hướng dẫn cách đánh giá sản phẩm cho các địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương, các chủ thể phát triển, hoàn thiện các sản phẩm tham gia OCOP; đôn đốc các địa phương tổ chức đánh giá sản phẩm cấp huyện; tổ chức đánh giá sản phẩm cấp tỉnh khi có hồ sơ tham gia đánh giá của cấp huyện; tham gia đánh giá sản phẩm cấp quốc gia; tổ chức nghị tổng kết, rút kinh nghiệm cấp tỉnh.


Hồng Đăng