09:11, 04/11/2019

Xuất khẩu lao động người dân tộc thiểu số: Chuyển biến nhiều mặt

Từ năm 2017 đến nay, với những chính sách thiết thực của Nhà nước, cùng cách làm sáng tạo của ngành chức năng, người dân ở các huyện miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đã được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động. Điều này đã làm thay đổi tư duy của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra nhiều khởi sắc trong cuộc sống của họ.

Từ năm 2017 đến nay, với những chính sách thiết thực của Nhà nước, cùng cách làm sáng tạo của ngành chức năng, người dân ở các huyện miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động. Điều này đã làm thay đổi tư duy của đồng bào DTTS, tạo ra nhiều khởi sắc trong cuộc sống của họ.


Thu nhập tăng cao


Chị Đrao H’Mai (thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh) chỉ học hết lớp 3 rồi bỏ học đi rẫy với bố mẹ. Cuộc sống khó khăn, nhà lại đông anh em nên cái nghèo cứ đeo bám mãi. Năm 2017, chị đăng ký đi xuất khẩu lao động sang Ả-Rập-Xê-Út làm giúp việc gia đình. Được biết, công việc của chị khá nhẹ nhàng, thu nhập cao hơn nhiều so với lao động ở quê nhà. Mỗi tháng, chị gửi về cho gia đình hơn 10 triệu đồng. Ông Nê Y Rú (bố chị Đrao H’Mai) cho biết: “Từ tiền con gái gửi về, gia đình đã xây được căn nhà cấp 4 hơn 60m2 và đầu tư mua cây giống trồng 4ha keo, 2 con bò cái sinh sản. Số tiền còn lại tôi gửi ngân hàng để sau này con gái về nước có vốn làm ăn”.

 

Từ số tiền con gái gửi về, gia đình ông Nê Y Rú đã xây được căn nhà mới.

Từ số tiền con gái gửi về, gia đình ông Nê Y Rú đã xây được căn nhà mới.


Chị Mấu Thị Tép (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn) chỉ học hết lớp 4 rồi bỏ học. Năm 2017, được chính quyền tư vấn, vận động nên chị đi xuất khẩu lao động sang Ả-Rập-Xê-Út. Giờ đây, từ số tiền hơn 10 triệu đồng/tháng, chị Tép gửi về, gia đình đã trả nợ ngân hàng và xây nhà, mua sắm vật dụng sinh hoạt; phần còn lại gửi tiết kiệm cho chị Tép.


Tham gia xuất khẩu lao động đã tạo ra nhiều thay đổi trong cách nghĩ của người dân. Chị Cao Thị Phượng (thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh) có gần 2 năm đi làm việc ở Ả-Rập-Xê-Út trở về chia sẻ: “Khi làm việc ở nước ngoài, tôi biết được nhiều cái hay, sáng tạo, văn minh của nước sở tại, từ đó điều chỉnh bản thân cho phù hợp với văn hóa của họ. Qua đó, tôi cũng học hỏi được nhiều điều”. Chính vì vậy, giờ đây, ai gặp chị Phượng cũng ngạc nhiên bởi chị thay đổi rất nhiều trong tư duy, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát và khoa học hơn trước.

Hỗ trợ 100% chi phí cho người tham gia


Ông Nguyễn Thu - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Vĩnh cho biết, khoảng 3 năm trở lại đây, công tác xuất khẩu lao động đã có nhiều khởi sắc. Hiện nay, đã có hơn 15 người đi làm việc ở nước ngoài. Qua đó, đời sống các hộ này được nâng lên, có vốn xây dựng nhà cửa, làm ăn, mua sắm đồ dùng cần thiết; một số gia đình đã thoát nghèo nhờ đi làm việc ở nước ngoài.


Ông Trịnh Xuân Năm - Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và cung ứng nhân lực Tràng An chi nhánh Thanh Hóa cho biết: “Đơn vị chúng tôi có khả năng cung ứng nhân lực cho nhiều nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ả-Rập-Xê-Út, Malaysia, Đài Loan… Khi được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và 2 huyện Khánh Vĩnh, Khánh Sơn chọn đơn vị để thực hiện tuyển chọn đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, chúng tôi đã cắt cử nhân viên phối hợp với chính quyền các xã, cán bộ thôn, các đoàn thể tuyên truyền, vận động, giải thích và thuyết phục người dân. Với cách làm “mưa dầm thấm lâu”, đến nay, cả 2 huyện đã có gần 50 lao động người DTTS đi làm việc ở nước ngoài”.


Theo ông Năm, người lao động DTTS chỉ cần biết đọc và viết đều có thể tham gia xuất khẩu lao động. Khi đăng ký, công ty sẽ tổ chức học tiếng, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động từ 45 đến 60 ngày. Đồng thời, toàn bộ chi phí xuất cảnh, làm các thủ tục, ăn, ở, học tập, đồ dùng cá nhân được công ty hỗ trợ 100%. Đặc biệt, trước khi xuất cảnh, công ty còn chi trước 1 tháng lương (khoảng 9 triệu đồng) cho gia đình. Hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài là 2 năm với mức lương từ 9 triệu đồng trở lên. Sau khi về nước, nếu người lao động muốn tiếp tục đi xuất khẩu sẽ được công ty hỗ trợ đi làm trở lại.


Ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, những chính sách hỗ trợ trong xuất khẩu lao động đã góp phần làm thay đổi tư duy, suy nghĩ và nâng cao thu nhập cho người dân. Thời gian tới, sở sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Công ty Cổ phần Đầu tư và cung ứng nhân lực Tràng An chi nhánh Thanh Hóa để tuyên truyền, vận động và tuyển chọn, tạo điều kiện cho người dân tham gia xuất khẩu lao động, nhất là đồng bào DTTS.


VĂN GIANG