10:11, 07/11/2019

Quản lý chặt các cơ sở trợ giúp xã hội

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 19 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Các cơ sở đã nuôi dưỡng, giúp những người kém may mắn có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo các cơ sở hoạt động đúng quy định, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, nhất là những cơ sở chưa được cấp phép.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 19 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập. Các cơ sở đã nuôi dưỡng, giúp những người kém may mắn có cuộc sống ổn định hơn. Tuy nhiên, để đảm bảo các cơ sở hoạt động đúng quy định, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác quản lý, nhất là những cơ sở chưa được cấp phép.


Chăm sóc tốt các đối tượng


Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở bảo trợ xã hội công lập đang nuôi dưỡng 362 đối tượng, chủ yếu là trẻ em mồ côi, người khuyết tật, người cao tuổi cô đơn, đối tượng bảo vệ khẩn cấp. Hầu hết các cơ sở đều thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý và chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo chất lượng cuộc sống ổn định cho các đối tượng. Hàng năm, 100% đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí và khám sức khỏe định kỳ; được  nhân viên chăm sóc chu đáo khi ốm đau. Trẻ em trong độ tuổi đều được đi học văn hóa, học nghề; trẻ khuyết tật được giáo dục chuyên biệt. Đặc biệt, với những người khuyết tật còn được dạy nghề phù hợp với thể trạng…

 

Các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh học nghề dệt chiếu.

Các đối tượng bảo trợ xã hội tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh học nghề dệt chiếu.


Đối với 15 cơ sở ngoài công lập, hiện có 12 cơ sở đã được cấp phép và 3 cơ sở hoạt động không phép gồm: Cơ sở dòng Phan Sinh thừa sai Đức mẹ (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm), Cơ sở Nguyễn Thị Kim Liên (xã Phước Đồng) và Cơ sở chùa Lộc Thọ (phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang). Tất cả các cơ sở đang nuôi dưỡng 449 đối tượng, trong đó có 221 đối tượng bảo trợ xã hội và 228 đối tượng khác. Những năm gần đây, các cơ sở ngoài công lập đã từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng yếu thế. Việc tiếp nhận và lập hồ sơ đối tượng đã được thực hiện tốt hơn. Các cơ sở có tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí, chủ yếu vào dịp lễ, Tết. Công tác nuôi dưỡng được đảm bảo và chưa phát hiện những hành vi xâm hại đối tượng, lợi dụng sức lao động trẻ em hay mua bán trẻ em.


Còn nhiều tồn tại


Qua kiểm tra của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện tại, các cơ sở bảo trợ xã hội còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Ở các cơ sở công lập, trong biên bản bàn giao đối tượng xin về với gia đình lại không có thân nhân và chính quyền địa phương tiếp nhận, xác nhận. Cơ sở Bảo trợ xã hội huyện Khánh Sơn chưa chủ động trong việc vận động những đối tượng đủ điều kiện để tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng. Từ đó, chưa sử dụng hết công năng đã được đầu tư, trong khi nhiều đối tượng sống khó khăn ngoài xã hội. Một số cơ sở, nhân viên còn thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, hỗ trợ đối tượng việc dọn dẹp nơi ở gọn gàng, sạch sẽ; thực đơn hàng ngày và tiền ăn chưa được công bố công khai; chưa lập hồ sơ quản lý người cao tuổi cô đơn.


Bên cạnh đó, nhiều cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập chưa quan tâm khám sức khỏe định kỳ cho đối tượng. Hồ sơ tiếp nhận một số đối tượng chưa đúng theo quy định. Có cơ sở vẫn chưa có nhân viên y tế; một số đối tượng chưa được đăng ký tạm trú hoặc nhập khẩu… Cụ thể, ở Cơ sở mái ấm Bình An (huyện Khánh Sơn) đã thành lập và cấp phép hoạt động được 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa tiếp nhận, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội nào. Cơ sở của bà Nguyễn Thị Kim Liên đang nuôi hàng chục đối tượng có nhu cầu xin được cấp phép hoạt động nhưng vị trí cơ sở lại nằm trên đất quy hoạch nên các ngành chức năng vẫn chưa thể cấp phép. Chùa Lộc Thọ hiện đang nuôi dưỡng 3 đối tượng nhưng lại không thành lập cơ sở trợ giúp xã hội. Dòng Phan Sinh thừa sai Đức mẹ đang nuôi dưỡng 41 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, không phải là đối tượng bảo trợ xã hội, trong khi chưa được cấp phép hoạt động.


Theo ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, các cơ sở trợ giúp xã hội đã có nhiều chuyển biến trong hoạt động, góp phần không nhỏ vào việc nuôi dưỡng, chăm sóc các đối tượng yếu thế ngày càng được tốt hơn. Tuy nhiên, các cơ sở vẫn còn hạn chế cần khắc phục. Đối với 3 cơ sở ngoài công lập chưa có phép, sở đã chỉ đạo các địa phương bám sát theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn làm thủ tục để cấp phép. Trong đó, cơ sở của bà Nguyễn Thị Kim Liên, nếu đến cuối tháng 12-2019 vẫn chưa tìm được địa điểm mới thì các ngành chức năng sẽ đưa các đối tượng về nuôi dưỡng tại các cơ sở hợp pháp. Đối với chùa Lộc Thọ và dòng Phan Sinh thừa sai Đức mẹ, sở giao trách nhiệm cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các địa phương tăng cường kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật.


VĂN GIANG