10:10, 09/10/2019

Để giảm nghèo bền vững

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài "Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa". Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh tuy có giảm nhưng vẫn còn tương đối cao.
 

Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa nghiệm thu đề tài “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp giảm nghèo bền vững tỉnh Khánh Hòa”. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh tuy có giảm nhưng vẫn còn tương đối cao.
 
Giảm nghèo chưa bền vững 
 
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Hòa - Viện Kinh tế Việt Nam, chủ nhiệm đề tài, những năm qua, công tác giảm nghèo luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng. Ngoài việc thực hiện các chính sách do Trung ương phê duyệt, Khánh Hòa còn xây dựng và triển khai các chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo tăng thu nhập. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012 - 2018 có xu hướng giảm, từ 24.991 hộ năm 2011 giảm còn 15.035 hộ năm 2018. Số hộ cận nghèo cũng giảm đáng kể, năm 2017, toàn tỉnh có 21.543 hộ, chiếm 7,36%, đến năm 2018 giảm còn 20.578 hộ, chiếm 6,78%. Cơ sở hạ tầng của tỉnh ngày càng được đầu tư nâng cấp; an sinh xã hội được chăm lo; đời sống người dân được cải thiện. 

 

Việc hỗ trợ người dân chuyển đổi một số diện tích trồng mía sang cây ăn quả ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa từng bước mang lại hiệu quả.
Việc hỗ trợ người dân chuyển đổi một số diện tích trồng mía sang cây ăn quả ở xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa từng bước mang lại hiệu quả.
 
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo vẫn tương đối cao và việc giảm nghèo thiếu bền vững. Cụ thể, huyện miền núi Khánh Sơn vẫn còn nhiều khó khăn, đến cuối năm 2018, toàn huyện còn 3.015 hộ nghèo (chiếm 44,09%); trong đó có 11 trường hợp tái nghèo. 
 
Theo nhóm nghiên cứu, một trong những nguyên nhân khiến việc giảm nghèo chưa bền vững là do các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của Trung ương và tỉnh tuy từng bước được hoàn thiện và thiết thực với người nghèo nhưng hiệu quả chưa cao, ở mỗi chính sách đều bộc lộ những điểm chưa phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, việc hỗ trợ được chia ra nhiều kênh cho vay đã làm phân tán khoản cho vay, kéo theo đó là mức cho vay ở mỗi kênh còn thấp, trong khi vốn đầu tư sản xuất lớn, thời điểm và thời hạn cho vay chưa phù hợp, việc cho vay thường chậm hơn thời vụ, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất. 
 
Mặt khác, các địa phương chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho công tác giảm nghèo mà chủ yếu dựa vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhất là các huyện miền núi. Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hầu như chỉ tập trung vào sản xuất, chưa chú ý tới nâng cao năng lực thị trường và hỗ trợ tiếp cận thị trường nên không ít sản phẩm của người dân sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc khó tiêu thụ… 
 
Cần có chính sách và giải pháp đồng bộ
 
Để tạo động lực mới về giảm nghèo và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, theo nhóm nghiên cứu, các chính sách cần hướng tới giải quyết các vấn đề như: Cung cấp cho người nghèo một phương thức phát triển mới; tăng cường các nền tảng phát triển bền vững bằng các mô hình sinh kế bền vững hơn, thích ứng với biến đổi khí hậu…
 
Theo đó, tỉnh cần tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ ngân sách cho 22 xã, thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 50% theo Nghị quyết của Chính phủ giai đoạn 2016-2020; chú trọng nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế, sản xuất; nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể, phân cấp, phân công rõ ràng cho các ngành, địa phương. Ngoài ra, có chính sách đặc thù nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các vùng, miền trên địa bàn tỉnh. Đối với vùng đồng bằng, tỉnh cần chuyển từ chính sách dạy nghề, tạo việc làm sang hỗ trợ đào tạo lao động gắn với doanh nghiệp và có chính sách khuyến khích thu hút các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề. Đối với miền núi, từng bước chuyển đổi từ hình thức Nhà nước cho không (tiền, cây trồng, vật nuôi, hàng tiêu dùng) sang hình thức hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế… Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận dịch vụ y tế; giáo dục; nhà ở; nước sạch vệ sinh môi trường; thông tin, dịch vụ viễn thông… 
 
Nhóm nghiên cứu đã đề xuất các giải pháp nhằm giảm nghèo bền vững như: Chuyển dịch cơ cấu khu vực nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp có năng suất và giá trị cao, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng năng suất lao động và chuyển sang các việc làm có năng suất cao; phát triển doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh; tăng khả năng chống chịu thông qua mở rộng an sinh xã hội; nâng cao năng lực phòng, chống và lồng ghép giảm thiểu rủi ro vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội… 
 
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng đánh giá: “Đề tài đã đưa ra được số liệu phong phú và cụ thể, nêu bật được bức tranh về công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh thời gian qua và đề xuất được các giải pháp, chính sách giảm nghèo bền vững thời gian tới. Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để tỉnh, các ngành chức năng có căn cứ xây dựng các chính sách, giải pháp giảm nghèo phù hợp, bền vững”.
 
KHÁNH HÀ