11:10, 09/10/2019

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Những năm qua, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, góp phần tạo việc làm, cải thiện tay nghề và nâng cao thu nhập cho lao động vùng nông thôn.
 

 

Những năm qua, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) đã triển khai có hiệu quả Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, góp phần tạo việc làm, cải thiện tay nghề và nâng cao thu nhập cho lao động vùng nông thôn.
 
Ra đảo dạy nghề cho người dân
 
Cuối tháng 9, chúng tôi được tham dự một lớp dạy nghề rất đặc biệt diễn ra tại thôn đảo Ninh Tân (xã Vạn Thạnh). Tại đây, gần 60 ngư dân của thôn đảo tham gia lớp dạy nghề sửa chữa máy nông ngư cơ. Ông Lê Văn Lâm (thôn Ninh Tân) cho biết: “Xưa nay, ngư dân chúng tôi xài máy tàu cá, máy nổ để đi biển, nuôi tôm cá và phát điện sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, chúng tôi lại không biết sửa máy nên mỗi khi máy bị hư hỏng, dù nặng hay nhẹ cũng phải nhờ thợ. Nhiều hôm đang trên biển, máy tàu bị hư thì chỉ biết gọi bạn thuyền kéo về nằm bờ. Do cách xa đất liền, lại không có thợ trên đảo nên phải gọi và đợi thợ từ đất liền ra sửa chữa, mất khá nhiều thời gian và tiền”.

 

Dạy nghề sửa chữa máy nông ngư cơ cho người dân thôn đảo Ninh Tân.
Dạy nghề sửa chữa máy nông ngư cơ cho người dân thôn đảo Ninh Tân.
 
Tại lớp dạy nghề, mọi người đều rất háo hức, chăm chú ghi chép và thực hành ngay trên những chiếc máy có sẵn. Hàng loạt chiếc máy nổ bị hỏng, bỏ xó vài năm nay, nay được đưa đến lớp học để thực hành. Chỉ sau vài ngày học và thực hành, rất nhiều chiếc máy đã được các ngư dân sửa chữa và hoạt động trở lại. Ông Huỳnh Văn Tài (thôn Ninh Tân) chia sẻ: “Ngoài được dạy nghề, chúng tôi còn được hỗ trợ chi phí trong 3 tháng học với mức hơn 30.000 đồng/người/ngày. Quan trọng hơn, chúng tôi được học nghề đúng với mong ước. Nhờ đó, chúng tôi an tâm hơn khi đi biển, nuôi trồng hay xử lý các sự cố máy phát trong sinh hoạt”.  
 
Bà Vũ Thị Kim Trinh - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, thời gian qua, địa phương đã tổ chức dạy hàng chục nghề gắn với công việc, đời sống của người dân. Riêng nghề sửa chữa máy nông ngư cơ cho người dân các thôn đảo được người dân đánh giá cao và đã có hơn 200 người được đào tạo. Hiện nay, người dân các thôn đảo: Điệp Sơn, Khải Lương, Ninh Đảo cũng rất muốn được học nghề sửa chữa máy nông ngư cơ. Tuy nhiên, mức hỗ trợ học nghề này của UBND tỉnh chỉ 2,25 triệu đồng/người/khóa học, thấp hơn mức 4 triệu đồng theo quy định của Chính phủ. Vì kinh phí ít, huyện khó tìm giáo viên dạy nghề cho các địa phương còn lại. Huyện rất mong UBND tỉnh tháo gỡ vấn đề này, vì chỉ còn hơn 1 năm nữa là kết thúc đề án.
 
Nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn
 
Đặc biệt, từ những lớp học nghề, huyện hình thành nhiều mô hình hiệu quả. Tiêu biểu như mô hình trồng nấm; nghề đan lát mây - tre - lá; nghề nấu ăn; nghề xây dựng… Sau học nghề, nhiều người không những tự tạo được việc làm mà còn tạo việc làm cho người khác. Chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (thôn Quảng Hội 2, xã Vạn Thắng), sau khi học nghề nấu ăn đã mở dịch vụ nấu ăn tiệc cưới, tạo việc làm cho 20 lao động có thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Hay bà Phạm Thị Thuận (thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú), sau khi học nghề chế biến thủy sản đã mở cơ sở làm chả cá, tạo việc làm cho hơn 70 lao động với thu nhập hơn 4 triệu đồng/người/tháng. Bà Trần Thị Mỹ Duyên (thôn Tân Đức Tây, xã Vạn Lương) học nghề kỹ thuật đan lát mây - tre - lá đã mở được cơ sở sản xuất tại nhà, tạo việc làm thêm cho khoảng 20 lao động, thu nhập hơn 3 triệu đồng/người/tháng...
 
Theo ông Trần Ngọc Khiêm - Phó Chủ tịch UBND huyện, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đem lại hiệu quả rõ nét, từng bước cải thiện tay nghề, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã đào tạo nghề cho hơn 5.400 lao động nông thôn, bình quân mỗi năm đào tạo 540 người. Trong đó, 4.576 lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí học nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp từ nguồn kinh phí của Đề án 1956 với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng, số lao động còn lại được hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa và các nguồn lực khác. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề hơn 90%. Bên cạnh đó, qua đề án cũng đã liên kết đào tạo cho 161 cán bộ không chuyên trách trình độ trung cấp và đại học; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho 395 cán bộ ở xã, thôn và tổ dân phố; bồi dưỡng nghiệp vụ cho 725 đại biểu HĐND các cấp.
 
VĂN GIANG