Sở Tư pháp Khánh Hòa nằm trong nhóm cơ quan thuộc Bộ Tư pháp có số lượng nhân sự ít nhất, trong khi khối lượng công việc tương đối lớn, nhiều việc phức tạp dẫn đến quá tải.
Sở Tư pháp Khánh Hòa nằm trong nhóm cơ quan thuộc Bộ Tư pháp có số lượng nhân sự ít nhất, trong khi khối lượng công việc tương đối lớn, nhiều việc phức tạp dẫn đến quá tải.
Tỷ lệ hồ sơ hành chính ngày càng tăng
Đến Sở Tư pháp vào gần cuối buổi, không hiếm gặp cảnh người dân phàn nàn vì bị hẹn giải quyết sang buổi tiếp sau. Anh Lê Trung Tín (đường Nguyễn Thái Học, Vạn Thạnh, Nha Trang) tới sở lúc gần 10 giờ, lấy tờ khai xin cấp phiếu lý lịch tư pháp để điền nội dung. Cuối giờ trưa, khi tới lượt, anh mới biết cần bổ sung thành phần hồ sơ nên phải quay lại vào buổi chiều. “Tuy Sở Tư pháp có niêm yết thành phần hồ sơ nhưng do đông người nên tôi không nhìn ra. Tôi mong sở bố trí thêm người ở bộ phận này để giải quyết kịp thời, đồng thời hỗ trợ người dân khi cần”, anh Tín nói. Được biết, trước đây, Sở Tư pháp có phân công công chức của các bộ phận khác hỗ trợ, hướng dẫn người dân. Tuy nhiên, giải pháp này không duy trì được bởi các bộ phận cũng quá nhiều việc.
Theo Thông tư liên tịch 23/2014 của Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các văn bản hiện hành, sở tư pháp có nhiệm vụ tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về: công tác xây dựng và thi hành pháp luật; theo dõi, thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật; pháp chế; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; hộ tịch; quốc tịch; chứng thực; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; bồi thường nhà nước; trợ giúp pháp lý; luật sư; tư vấn pháp luật; công chứng; giám định tư pháp; bán đấu giá tài sản; trọng tài thương mại; quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và công tác tư pháp khác theo quy định của pháp luật; với 34 nhiệm vụ. Ngoài ra, UBND tỉnh còn thường xuyên giao Sở Tư pháp tham mưu, tư vấn về pháp lý để xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai... Các sở, ban, ngành cũng thường xuyên lấy ý kiến của Sở Tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ của ngành mình.
Bên cạnh đó, tỷ lệ hồ sơ hành chính phát sinh tại sở ngày càng tăng. Năm 2018, sở tiếp nhận 9.152 hồ sơ, tăng 41,4% so với năm 2017. 8 tháng qua, sở tiếp nhận 8.030 hồ sơ, gần bằng lượng hồ sơ của cả năm 2018. Tuy nhiên, bộ phận Một cửa của Sở Tư pháp vẫn chỉ bố trí được 1 công chức phụ trách hướng dẫn, đồng thời tiếp nhận hồ sơ nộp trực tiếp và trực tuyến. Do vậy, việc kiểm tra, xử lý hồ sơ trực tuyến có lúc chưa kịp thời, chu đáo. Việc giải quyết hồ sơ trực tiếp cũng có lúc bị ùn tắc khi người dân đến quá đông.
Biên chế ít
Năm 2018, Sở Tư pháp được giao 31 biên chế hành chính, giảm 1 biên chế so với năm 2017. Năm nay, sở được giao 30 biên chế, giảm 1 biên chế so với năm 2018. Hiện tại, sở không có biên chế để bố trí vị trí quản trị mạng bởi đã sử dụng hết số biên chế được giao, dù đây là vị trí rất cần thiết trong thực hiện hiện đại hóa hành chính. Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Tư pháp) tại Tọa đàm về công tác tổ chức cán bộ của các cơ quan tư pháp địa phương khu vực phía nam vào tháng 6, bình quân toàn quốc là 38,3 biên chế công chức/sở tư pháp. Cả nước chỉ có 8 sở tư pháp được bố trí dưới 30 người. Đầu tháng 8 vừa qua, Sở Tư pháp có 1 công chức xin nghỉ không lương, nên áp lực công việc càng nặng nề.
Đội ngũ cán bộ làm việc tại các phòng tư pháp cấp huyện cũng chỉ đạt 2,9 người/phòng (không bao gồm hợp đồng lao động), thấp hơn bình quân chung cả nước (4,5 người/phòng). Số công chức chưa có trình độ chuyên môn luật còn cao (28%). Cũng do khó khăn về biên chế nên một số cơ quan chuyên môn ở tỉnh chưa thành lập được phòng pháp chế theo Nghị định số 55/2011 của Chính phủ. Công chức làm công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn chủ yếu kiêm nhiệm; số có thâm niên công tác không nhiều. Toàn tỉnh hiện có 20 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác pháp chế, trong đó, chỉ 50% có trình độ cử nhân luật, 35% có thâm niên nghề từ 5 năm trở lên.
Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Giám đốc Sở Tư pháp kiến nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 23/2014 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của sở tư pháp; phòng tư pháp theo hướng phù hợp với Nghị quyết số 18 (ngày 25-1-2017) của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bà cũng đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành bố trí cán bộ làm công tác pháp chế chuyên trách để tham gia tham mưu pháp luật trong hoạt động của ngành, lĩnh vực, đảm bảo văn bản được ban hành, xử lý đúng pháp luật. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu phương án giao biên chế hành chính tương xứng với nhiệm vụ được giao và khối lượng công việc thực hiện theo Đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt trên thực tế, có tính toán khối lượng việc tăng thêm hàng năm và bảo đảm công bằng về số biên chế được giao giữa các tỉnh.
N.VŨ