10:09, 15/09/2019

Nâng cao chỉ số hài lòng của người nộp thuế

Để nâng cao chỉ số hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã và đang yêu cầu các phòng, chi cục thuế thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.

 

Để nâng cao chỉ số hài lòng của người nộp thuế (NNT) đối với sự phục vụ của cơ quan thuế, Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã và đang yêu cầu các phòng, chi cục thuế thực hiện nhiều giải pháp cụ thể.


Chỉ số hài lòng đạt khá


Năm 2018, Cục Thuế tỉnh được xếp loại tốt về công tác cải cách hành chính. Chỉ số hài lòng trung bình ngành Thuế tỉnh đạt 78,62%, tăng 4,93% so với năm 2017. Theo bà Nguyễn Thị Thúy Oanh - đại diện Công ty Cổ phần Phát hành sách Khánh Hòa, thời gian qua, Cục Thuế tỉnh đã đầu tư trang thiết bị phục vụ NNT đến làm việc khá đầy đủ, thuận tiện. Các hình thức cung cấp thông tin cho NNT đa dạng…

 

Hướng dẫn chính sách thuế cho người nộp thuế.

Hướng dẫn chính sách thuế cho người nộp thuế.

 
Tuy có chuyển biến mạnh trong phục vụ NNT nhưng qua kết quả khảo sát, sự hài lòng của NNT đối với cơ quan thuế chưa cao. Mong muốn của NNT là thời gian tới, ngành Thuế tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ, thường xuyên bố trí công chức hỗ trợ NNT thông qua số điện thoại đã được công khai; giải quyết các vấn đề, yêu cầu của doanh nghiệp nhanh chóng, rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, cơ quan thuế nghiên cứu mở rộng thêm các dịch vụ như: Giải quyết văn bản, đơn thư của doanh nghiệp qua hình thức trực tuyến, trực tuyến hóa các biểu mẫu…


Những giải pháp cụ thể


Tháng 8-2019, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các phòng, chi cục thuế thực hiện ngay các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số hài lòng của NNT đối với sự phục vụ của cơ quan thuế trong thời gian tới. Ông Lương Xuân Thu - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ NNT Cục Thuế tỉnh cho biết, về tiêu chí “Tiếp cận dịch vụ”, Cục Thuế tỉnh yêu cầu các phòng, chi cục thuế cập nhật kịp thời, công khai, minh bạch, đầy đủ các tài liệu về chính sách, pháp luật thuế, thủ tục hành chính (TTHC), văn bản trả lời chính sách thuế cho NNT lên website của Cục Thuế tỉnh và tại bộ phận một cửa. Bên cạnh các hình thức cung cấp thông tin đã thực hiện, các đơn vị cần nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức qua tờ rơi hướng dẫn, nhắn tin, tuyên truyền qua mạng xã hội. Đồng thời, bố trí công chức làm việc tại bộ phận một cửa đủ tiêu chuẩn, số lượng, đáp ứng nhu cầu hỗ trợ, giải đáp chính sách, thủ tục về thuế cũng như giải quyết TTHC cho NNT. Đối với tiêu chí “Điều kiện tiếp đón và phục vụ”, các đơn vị cần bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ; bảng chỉ dẫn của các phòng, đội thuế để NNT liên hệ công tác; bảng niêm yết, thông báo; ghế ngồi chờ, bàn viết tại bộ phận một cửa, quạt, màn hình tra cứu thông tin…

 

8 tháng năm 2019, toàn Cục Thuế tỉnh đã giải quyết 273.542 hồ sơ TTHC đúng và sớm hạn. Trong đó, có 167.178 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3, 4 và 263 hồ sơ được tiếp nhận, trả kết quả qua dịch vụ bưu chính. Riêng 11 hồ sơ giải quyết trễ hạn vì thông báo tạm dừng hoàn do còn nợ thuế, hồ sơ không đầy đủ, không đúng thủ tục phải trả về yêu cầu giải trình bổ sung.

Trong tiêu chí TTHC, cơ quan thuế phải thực hiện niêm yết công khai, minh bạch bộ TTHC, danh mục thủ tục được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến qua Internet hoặc bưu chính công ích và thực hiện tại vị trí thuận tiện để NNT dễ tiếp cận. Công chức tại bộ phận một cửa có trách nhiệm hướng dẫn rõ ràng, chính xác cho tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC về thuế. Trường hợp phải yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, công chức thuế chỉ được yêu cầu 1 lần bằng phiếu yêu cầu bổ sung, hoàn thiện hồ sơ; không được yêu cầu NNT bổ sung thành phần hồ sơ ngoài quy định của TTHC đã được công bố. Trong trường hợp từ chối nhận hồ sơ, công chức thuế phải nêu rõ lý do bằng phiếu từ chối tiếp nhận. Riêng hồ sơ quá hạn giải quyết, cơ quan thuế phải thực hiện nghiêm túc việc gửi văn bản xin lỗi NNT; việc hẹn lại ngày trả kết quả được thực hiện không quá 1 lần. Công chức thuế không được tự ý đổi giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả nhằm kéo dài thời gian giải quyết TTHC trái quy định...

 

Riêng tiêu chí “Kết quả, tiến độ giải quyết công việc”, lãnh đạo các phòng, đội thuế phải phân công công chức làm đầu mối kiểm soát TTHC tại đơn vị mình. Đồng thời, thường xuyên theo dõi ứng dụng quản lý hồ sơ, phần mềm một cửa liên thông... để giám sát, kịp thời đôn đốc công chức giải quyết hồ sơ theo hạn định. Cùng với đó, các đơn vị phải thực hiện niêm yết, công khai đầy đủ đường dây nóng, các quy định, quy trình tiếp nhận, xử lý phản ánh của NNT; giải quyết nhanh chóng, thỏa đáng các yêu cầu của NNT khi phát sinh…


K.NGUYỄN