Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh vừa thông báo đến các địa phương, đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với tình hình thời tiết nguy hiểm do hoàn lưu cơn bão số 4 gây ra.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh Khánh Hoà vừa thông báo đến các địa phương, đơn vị liên quan về việc chủ động ứng phó với tình hình thời tiết nguy hiểm do hoàn lưu cơn bão số 4 gây ra.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Quốc gia, vào hồi 13 giờ ngày 29-8, bão số 4 (tên quốc tế là Podul) nằm ngay ở phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách đất liền các tỉnh Nghệ An - Quảng Trị khoảng 350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 11. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão.
Trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20km, từ sáng sớm đến trưa ngày 30-8 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13 giờ ngày 30/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực Trung Lào.
Cảnh báo gió mạnh trên biển: Từ tối 29-8, ở Nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Ở vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Sóng biển cao từ 2-4m, vùng gần tâm bão sóng biển cao 3-5m, biển động rất mạnh. Vùng ven biển các tỉnh Thanh Hóa-Quảng Bình nước dâng do bão cao từ 0,5-1,0m. Cảnh báo gió mạnh trên đất liền: Từ sáng sớm ngày 30-8, ở các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-11. Cảnh báo mưa lớn: Từ chiều 29 đến 31-8, ở các tỉnh Trung Bộ và Tây nguyên có mưa to đến rất to.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, đơn vị đã phối hợp với địa phương, gia đình các chủ phương tiện thông báo cho các phương tiện đang hoạt động trên biển biết thông tin của bão số 4 để chủ động phòng tránh. Tổ chức kiểm kê số người, tàu cá đang đánh bắt trên các vùng biển đặc biệt nguy hiểm; các đài canh trực 24/24, thường xuyên thông báo tin đến các chủ tàu thuyền về diễn biến của bão, tổ chức kíp trực 2 tàu, 12 đồng chí sẵn sàng nhận nhiệm vụ…
Tính đến 10 giờ ngày 29-8, Khánh Hòa có 577 tàu cá, 3.298 lao động hoạt động đánh bắt ở các vùng biển gồm: ven biển Khánh Hòa, ven biển Ninh Thuận – Bình Thuận, Trường Sa, Vũng Tàu, Phú Yên – Quảng Ngãi. Đặc biệt, có 1 tàu cá KH92359TS do ông Nguyễn Tuấn Khanh ở Quảng Ngãi làm thuyền trưởng, trên tàu có 12 thuyền viên hoạt động ở khu vực Hoàng Sa. Vào lúc 9h30 ngày 29-8, tàu ở vị trí 13000’N – 112000’E. Tàu đang tiếp tục chạy về phía nam, thuyền trưởng đã nắm được thông tin về bão số 4. Cơ quan chức năng tiếp tục bám sát vị trí, thông tin về tàu cá này. Hiện tất cả các tàu khác hoạt động trên biển đều đã nắm bắt được thông tin về cơn bão số 4 và có kế hoạch phòng tránh an toàn.
Để chủ động ứng phó với tình hình thời tiết nguy hiểm do hoàn lưu cơn bão số 4 gây ra, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Khánh Hòa đã yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã, thành phố; các đơn vị quản lý, vận hành, khai thác công trình thủy lợi, thủy điện, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh thực hiện một số nội dung sau: Theo dõi chặt chẽ diễn biến, các tình hình thời tiết nguy hiểm do hoàn lưu cơn bão số 4, kịp thời thông tin đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, nhất là vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ chứa, vùng thấp trũng để chủ động các biện pháp phòng tránh. Tổ chức kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, chủ động triển khai phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn. Chủ động bố trí lực lượng kiểm soát đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại tại các ngầm, tràn, đường khi có tình huống ngập nước, chia cắt do mưa lớn gây ra. Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh tổ chức trực ban 24/24h, chủ động tính toán lưu lượng lũ về hồ, điều tiết xả lũ trước để hạ mực nước hồ nhằm đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du khi có tình huống mưa lũ lớn xảy ra. Tổ chức kiểm tra đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công, đặc biệt là các công trình trên sông, suối; chỉ đạo các đơn vị thi công công trình lập rào chắn và cắm biển báo tại các vị trí hố móng công trình bị ngập nước khi có lũ, ngập lụt do mưa lớn gây ra. Chủ động chuẩn bị lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại những khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu. Đài Phát thanh và Truyền hình, các cơ quan thông tấn báo chí và các địa phương thường xuyên đưa tin về tình hình diễn biến của mưa, lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng đến người dân biết, chủ động phòng tránh. Tổ chức trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh để nắm bắt, chỉ đạo kịp thời.
Hồng Đăng