Thực hiện chỉ thị của ngành Công Thương về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm 2019. Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết:
Thực hiện chỉ thị của ngành Công Thương về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019, Sở Công Thương đã ban hành kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm 2019. Trao đổi về vấn đề này, bà Phan Thị Thu Cúc - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết:
- Việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai có ý nghĩa quan trọng trong việc cung ứng kịp thời hàng hóa cho các khu vực bị ảnh hưởng khi có thiên tai xảy ra, đặc biệt ở các khu vực trọng điểm, xung yếu, dễ bị cô lập, chia cắt. Theo đó, khi có thiên tai xảy ra, Sở Công Thương sẽ tham mưu UBND tỉnh huy động, trưng mua lương thực, thực phẩm trong các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến lương thực, thực phẩm trên địa bàn (chủ yếu là Chi nhánh Công ty Cổ phần Lương thực Nam Trung bộ và các siêu thị, trung tâm thương mại, doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm trên địa bàn tỉnh). Sở cũng phối hợp với các ngành Giao thông vận tải, Tài chính... xây dựng biện pháp tiếp nhận nguồn lương thực từ các địa phương khác để bổ sung nguồn thực phẩm nếu xảy ra thiếu hụt, mất cân đối; phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhu yếu phẩm, không để xảy ra tình trạng tăng giá hàng hóa sau thiên tai.
- Năm nay, sở có kế hoạch dự trữ số lượng hàng hóa như thế nào, thưa bà?
- Căn cứ nhu cầu của các địa phương, kế hoạch dự trữ hàng hóa phòng, chống thiên tai năm nay vẫn tập trung vào các mặt hàng như: lương thực, thực phẩm, nước uống, nhiên liệu. Cụ thể, sở tổ chức dự trữ khoảng 21 tấn lương thực và 14,5 tấn thực phẩm. Trong đó, nhu cầu dự trữ lương thực, thực phẩm của TP. Nha Trang gần 6 tấn; Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh hơn 4,2 tấn/địa phương; Khánh Sơn và Khánh Vĩnh 4,8 tấn/địa phương; Cam Lâm 3,6 tấn; Diên Khánh 3 tấn.
Ngoài ra, tại 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, hàng hóa còn được dự trữ tại Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Hàng hóa sẽ phân phối về cho các cửa hàng thương mại phân bố tại các xã, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ của nhân dân khi xảy ra bão lụt, chia cắt. Tổng kinh phí dự trữ hàng hóa tại Trung tâm Dịch vụ - Thương mại huyện Khánh Vĩnh là 950 triệu đồng, Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Sơn 500 triệu đồng.
Về tổ chức dự trữ, phần lớn các mặt hàng dự trữ ở kho doanh nghiệp; ở kho tỉnh chỉ dự trữ khoảng 2 tấn gạo.
- Cần phải làm gì để chủ động triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, phương án dự trữ, thưa bà?
- Để chủ động làm tốt công tác cứu trợ thiên tai và khắc phục hậu quả bão, lụt, đảm bảo nhu cầu lương thực, nhu yếu phẩm của người dân trong điều kiện bị cô lập theo phương châm “4 tại chỗ”, việc xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa là yêu cầu đặc biệt quan trọng. Do đó, sở đề nghị ngân sách cấp tạm ứng kinh phí cho Trung tâm Dịch vụ - Thương mại Khánh Sơn, Khánh Vĩnh để dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu tại chỗ của nhân dân khi xảy ra bão lụt. Công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu còn gặp khó khăn do không có kho lớn, nguồn dự trữ phụ thuộc vào kho của các doanh nghiệp. Do đó, khi thiên tai kéo dài, xảy ra trên diện rộng hoặc trong trường hợp gây thiệt hại nặng, nguồn dự trữ hàng hóa của địa phương không đủ đáp ứng nhu cầu của người dân, sở sẽ đề nghị UBND tỉnh và Bộ Công Thương huy động sự hỗ trợ từ các địa phương khác.
- Xin cảm ơn bà!
H.DUNG (Thực hiện)