Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có hiệu lực từ ngày 20-3-2019. Trao đổi về những điểm mới của nghị định này, ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở khoa học và công nghệ cho biết:
Nghị định 13/2019 của Chính phủ về doanh nghiệp (DN) khoa học và công nghệ (KH-CN) có hiệu lực từ ngày 20-3-2019. Trao đổi về những điểm mới của nghị định này, ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KH-CN cho biết:
- Theo nghị định, các DN hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập như DN thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Cụ thể, được miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định.
Ngoài ra, DN được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Cụ thể, được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH-CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn. Mức lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại thực hiện cho vay.
Nghị định cũng quy định cụ thể về hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH-CN. Theo đó, DN KH-CN được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, được ưu tiên, không thu phí dịch vụ khi sử dụng máy móc, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo, cơ sở nghiên cứu KH-CN của Nhà nước để thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ươm tạo công nghệ, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, ươm tạo DN KH-CN; được ưu tiên tham gia các dự án hỗ trợ thương mại hóa kết quả KH-CN…
- Việc triển khai các nội dung của nghị định được tiến hành như thế nào, thưa ông?
- Nghị định số 13 thay thế cho các nghị định cũ về DN KH-CN, có nhiều điểm mới, cởi mở và đơn giản hơn để DN có thể tiếp cận và hình thành một DN KH-CN. Hiện Sở KH-CN đang xây dựng kế hoạch triển khai các chính sách được quy định trong nghị định vào thực tiễn. Cụ thể, tham mưu UBND tỉnh thay thế bộ thủ tục hành chính để phù hợp với Nghị định số 13, trong đó các thành phần hồ sơ và các điều kiện về quyền sở hữu công nghệ cũng được đơn giản hóa; giới thiệu chính sách trực tiếp đến các DN tại sở và phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các hội nghị DN trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ xác nhận các thông tin về DN KH-CN để DN đủ điều kiện được hưởng các ưu đãi về thuế; hỗ trợ tư vấn, đánh giá các kết quả nghiên cứu không sử dụng ngân sách của các DN, từ các kết quả này DN có thể triển khai sản xuất và đăng ký thành lập DN KH-CN…
- Hoạt động của các DN KH-CN trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa ông?
- Tại Khánh Hòa, đến thời điểm này đã phát triển được 7 DN KH-CN hoạt động sản xuất trong nhiều lĩnh vực khác nhau như: nuôi trai lấy ngọc; sản xuất gạch không nung; thiết bị điện tử viễn thông; cảm biến môi trường và phần mềm theo dõi; thiết bị tự động hóa trong ngành chế biến thủy sản… Một số DN định hướng chất lượng sản phẩm tốt đã sản xuất được một số thiết bị tự động hóa cho ngành chế biến thủy sản, ngoài phục vụ trong nước còn xuất khẩu đến nhiều thị trường khác trên thế giới. Tuy nhiên, trên thực tế việc phát triển DN KH-CN còn những rào cản; nhu cầu tự thân của DN muốn trở thành một DN KH-CN còn hạn chế. Thời gian tới, thông qua các chính sách hiện có, sở đẩy mạnh các hoạt động khuyến khích các DN trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động KH-CN.
- Xin cảm ơn ông!
CẨM VÂN (Thực hiện)