Mùa hè vừa bắt đầu, đã có 3 vụ đuối nước thương tâm khiến 7 trẻ em thiệt mạng. Điều này không khỏi khiến nhiều người hoang mang. Đã đến lúc cả hệ thống phải vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này…
Bài 1: Bài học đau lòng
Mùa hè vừa bắt đầu, đã có 3 vụ đuối nước thương tâm khiến 7 trẻ em thiệt mạng. Điều này không khỏi khiến nhiều người hoang mang. Đã đến lúc cả hệ thống phải vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này…
1 tuần 3 vụ đuối nước
3 vụ đuối nước, 7 trẻ tử vong là con số rất đau lòng ngay đầu hè, báo động về tình trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra trên địa bàn tỉnh, chủ yếu ở khu vực sông, suối.
Khoảng 13 giờ chiều 27-5, em Trần Thị Mỹ Hạnh (12 tuổi, trú thôn Tân Tứ) chở 2 em Trần Thị Kim Thương (11 tuổi, trú thôn Đồng Thân) và Bùi Anh Tuyết (12 tuổi, trú thôn Tân Hiệp) qua Đập Cùng (thôn 1), đều thuộc xã Ninh Thượng (thị xã Ninh Hòa), để tắm. Đến nơi, Hạnh không tắm, chỉ Thương và Tuyết xuống tắm… Qua điện thoại, ông Nguyễn Hoài Phương - Chủ tịch UBND xã Ninh Thượng buồn bã nói: “Người dân phát hiện 2 đôi dép bên bờ đập, cách khu dân cư khoảng 500m; cạnh đó là một bé gái người ướt sũng đang rất hoảng loạn, nghi có người đuối nước nên hô hoán, tổ chức tìm kiếm và vớt được thi thể 2 cháu. Mới vài ngày trước, các cháu dự lễ tổng kết năm học, chuẩn bị lên cấp 2…”.
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2012 đến nay, hàng năm đều xảy ra trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Con số thống kê có xu hướng tăng. Nếu như năm 2012 có 15 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước thì năm 2013, tăng lên 19 trường hợp. Năm 2016 có 17 trường hợp. Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 35 vụ đuối nước, làm 38 trẻ tử vong. Trung bình mỗi năm, có 17 em bị đuối nước tử vong. Tỷ lệ trẻ thiệt mạng do đuối nước hàng năm chiếm hơn 50% tổng số ca tử vong ở trẻ. Riêng năm 2018, trong 22 vụ trẻ tử vong, có 12 vụ do đuối nước.
|
5 ngày trước, chiều 22-5, 4 học sinh (HS) lớp 4 ở xã Phước Đồng (TP. Nha Trang) rủ nhau đi tắm ở con suối gần nhà. 1 em lọt xuống hố nước sâu và tử vong; 3 em còn lại thoát chết trong gang tấc! “Con suối nơi các em nhỏ bị nạn trước đây chỉ rộng chưa đầy 5m. Nhưng 1 năm trước, một số người nạo vét cát, khiến hai bên bờ rộng dần, xuất hiện nhiều hố nước sâu”, ông Đổng Phúc Ba - Trưởng thôn Phước Sơn cho biết.
Trước đó 2 ngày, một vụ đuối nước thương tâm cũng xảy ra tại xã Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa) làm 4 HS tử vong. Trong đó, có 2 chị em ruột. “Chỉ vì hôm đó vợ chồng tôi mải đi tỉa mía mà quên mất chúng, chúng tôi hối hận lắm!”, bà Trà Thị Kim Ý - mẹ của 2 em đã tử vong vừa khóc vừa kể. Đôi mắt đỏ hoe, ông Nguyễn Văn Hùng, chồng bà Ý bần thần nhìn ngôi nhà: “Tích góp tiền mãi mới mua được nhà, chưa vui vẻ bao ngày ở nhà mới thì chúng đã bỏ vợ chồng tôi ra đi…”.
Nhiều nguyên nhân
Kết quả thống kê 2 năm 2017 - 2018 cho thấy, hầu hết vụ trẻ tử vong do đuối nước đều xảy ra ở cộng đồng, một số ít tại nhà và không xảy ra tại trường học.
Ông Bùi Cao Pháp - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng xác nhận, đoạn suối nơi vừa xảy ra tai nạn đáng tiếc từng bị một nhóm đối tượng khai thác cát. Tuy xã đã xử lý, đình chỉ việc khai thác nhưng hậu quả để lại vẫn còn. Qua mỗi mùa mưa, khu vực này tiếp tục sạt lở, tạo ra những điểm lồi lõm ở lòng suối. Nhiều hộ gần suối đã bị mất đất. “Sắp đến kỳ nghỉ hè, xã đã nhắc thôn và cán bộ địa chính cắm biển cảnh báo nguy hiểm; tuyên truyền qua hệ thống phát thanh, nhưng chưa kịp thực hiện thì xảy ra vụ việc”, ông Pháp nói. Ông Nguyễn Hoài Phương cũng chung cảm giác nuối tiếc đó: “Họng đập tương đối sâu, khoảng 1,4m. Trước đó, nhà trường, chính quyền địa phương đã tuyên truyền rất kỹ, nhưng các cháu nghe rồi lại quên. Sáng đó, UBND xã vừa họp triển khai phương án cắm biển báo cấm tắm sông, hồ, suối đập, định ngay buổi chiều triển khai thì đầu giờ chiều sự việc đã xảy ra…”.
Ông Lê Thiên Hoàng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Sim cho biết, trên địa bàn xã có một đoạn sông Cái chảy qua dài khoảng 6km. Xung quanh đoạn sông này có hơn 50% hộ dân của xã sinh sống. Xã thường xuyên khảo sát các điểm nguy hiểm bên bờ sông để cắm biển cảnh báo. Tuy nhiên, nơi vừa xảy ra vụ tai nạn đuối nước không thuộc vị trí xung yếu, nguy hiểm, nên không có biển cảnh báo. Ngoài ra, bình thường đoạn sông khá cạn, nhưng mỗi khi hệ thống thủy điện Ea Krong Rou ở đầu nguồn xả nước điều tiết thì cả khúc sông dâng ngập hết nên không thể cắm biển cảnh báo hết được. Xã đã thông tin, cảnh báo cho người dân về khu vực nước xoáy nguy hiểm nhưng tai nạn vẫn xảy ra.
Còn một thực tế là số lượng HS biết bơi chưa nhiều. Tính đến tháng 10-2016, toàn tỉnh mới có 12,8% HS tiểu học và 21,9% HS THCS biết bơi. Ông Nguyễn Mai Trung Quốc - chuyên viên Phòng Giáo dục trung học, Giáo dục thường xuyên (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trước năm 2017, bơi lội chưa được đưa vào môn học chính khóa trong nhà trường. 3 năm trước, các trường học trên địa bàn tỉnh đều chưa có hồ bơi. 9 hồ bơi khác (Nha Trang: 6; Ninh Hòa, Cam Ranh và Diên Khánh mỗi nơi có 1 hồ) đều thuộc quản lý của các ban, ngành Trung ương, địa phương hoặc tư nhân. Số hồ bơi này không thể đáp ứng nhu cầu học bơi của nhân dân, HS toàn tỉnh. Thực hiện Đề án thí điểm dạy bơi, phòng chống đuối nước cho HS tiểu học, THCS giai đoạn 2017 - 2020 của UBND tỉnh, năm học 2018 - 2019, đã có 7/10 trường dạy bơi trong trường cho khoảng 1.200 HS. Ngoài ra, có 10 trường THCS và THPT ở Nha Trang, Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh dạy bơi cho 4.200 HS ngoài nhà trường. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với hàng trăm ngàn HS toàn tỉnh.
Bên cạnh đó, cũng còn gia đình chủ quan, quản lý trẻ chưa chặt chẽ, chưa dạy con kỹ năng phòng ngừa đuối nước. “Chúng tôi thường xuyên cảnh báo về những điểm nước sâu, nhưng vẫn có em trốn gia đình đi tắm sông mà người lớn không biết. Thực tế, dù trẻ biết hay không biết bơi, nhưng nếu người lớn lơ là, vẫn có thể xảy ra đuối nước”, ông Hoàng nói.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ. Nhưng cho dù nguyên nhân nào thì người lớn vẫn phải có trách nhiệm bảo vệ các em.
TRÚC - MAI
Bài 2: Cùng nỗ lực phòng ngừa
(Xem tiếp Báo Khánh Hòa thứ Năm, ngày 30-5)