Ước tính mỗi ngày có hơn 4.000 con heo được vận chuyển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, khoảng một nửa từ các tỉnh phía bắc đi qua địa bàn Khánh Hòa. Vì thế, tăng cường kiểm dịch vận chuyển heo đang là nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay.
Ước tính mỗi ngày có hơn 4.000 con heo được vận chuyển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Trong đó, khoảng một nửa từ các tỉnh phía bắc đi qua địa bàn Khánh Hòa. Vì thế, tăng cường kiểm dịch vận chuyển heo đang là nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay.
Mỗi ngày có 12 xe vận chuyển heo từ bắc vào nam
Chỉ thị của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc ngăn chặn dịch tả heo châu Phi
Ngày 12-3, UBND tỉnh có chỉ thị về việc tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi (ASF).
Chỉ thị nêu rõ: Hiện nay, Khánh Hòa chưa xuất hiện ASF, nhưng nguy cơ lây lan và xuất hiện trên địa bàn rất cao. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và giám đốc các sở, thủ trưởng ngành, các đơn vị liên quan tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp cấp bách để ngăn chặn bệnh ASF.
Cụ thể, cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật, thành lập đoàn công tác các cấp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên để tổ chức phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo cấp xã thống kê, báo cáo số lượng đàn heo, hộ chăn nuôi heo của địa phương. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp tỉnh, Kế hoạch ngăn chặn và phòng, chống ASF. Tổ chức phun tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi trong tháng 3-2019. Các sở, ngành, địa phương, cơ quan thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền để người chăn nuôi nắm bắt kịp thời tình hình dịch bệnh, biện pháp phòng ngừa, đồng thời không không gây hoang mang trong xã hội.
|
Ngoài ra, qua giám sát nguồn gốc heo giống nhập vào Khánh Hòa trong tháng 2 cho thấy, heo được người chăn nuôi ở Cam Ranh và Khánh Vĩnh nhập từ các tỉnh: Đồng Nai, Đắk Lắk tổng cộng 4.235 con. Ngoài ra, còn có 169 con heo thịt được nhập từ Hải Dương và Hòa Bình vào 3 cơ sở giết mổ heo trên địa bàn TP. Nha Trang. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền các lò mổ tạm ngưng nhập heo từ các tỉnh phía bắc.
Đối với heo Khánh Hòa vận chuyển đi các tỉnh khác, 2 tháng đầu năm 2019 có gần 6.400 con được vận chuyển đi. Heo Khánh Hòa chủ yếu được nhập về Ninh Thuận, chiếm khoảng 80%, ngoài ra còn vận chuyển đến các tỉnh: An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh…
Chưa kể, mỗi ngày thị trường Khánh Hòa tiêu thụ khoảng 1.200 con heo. Số heo này được vận chuyển từ các hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi heo chủ yếu ở trong tỉnh về các điểm giết mổ.
Sẽ lập chốt kiểm dịch vận chuyển
Theo cơ quan chức năng, việc giao thương, điều tiết nguồn heo bao gồm cả heo thịt, heo giống và heo nái từ tỉnh này qua tỉnh khác là hoạt động bình thường của thị trường. Tuy nhiên, trước khả năng bùng phát của dịch tả heo châu Phi, việc lập các chốt kiểm dịch vận chuyển là một trong những giải pháp quan trọng trong kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Có 3 địa điểm cần lập chốt, trong đó có 2 điểm giáp ranh với tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận trên Quốc lộ 1, điểm còn lại nằm ở Quốc lộ 26 đoạn giáp ranh với tỉnh Đắk Lắk. Mỗi xe chở heo đi qua đều phải được kiểm soát các chứng từ về nguồn gốc, điểm đến… cũng như được phun thuốc tiêu độc, khử trùng nhằm kiểm soát tình hình.
Tại Khánh Hòa, mỗi ngày có khoảng 1.200 con heo giết mổ, trong đó có 40% được phân phối bởi Công ty CP - Chi nhánh Khánh Hòa. Mỗi chuyến xe chở heo của công ty trước khi đến trại chăn nuôi đều được phun thuốc khử trùng, 1 xe chỉ đến 1 trại, nhận heo tại trại và chở thẳng đến khu vực tập kết heo trên Tỉnh lộ 3 thuộc xã Suối Cát, Cam Lâm. Sau 1 chuyến, chiếc xe đó tiếp tục được phun thuốc khử trùng. Các chủ cơ sở giết mổ heo đến khu vực tập kết để nhận heo về giết mổ. “Trước đây, các chủ cơ sở giết mổ có thể đưa xe đến tận trang trại chăn nuôi để bắt heo. Nhưng những năm gần đây, lường trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, chúng tôi đã xây dựng điểm trung chuyển nhằm cách ly hoàn toàn giữa nơi chăn nuôi và xuất bán, tránh được khả năng lây nhiễm từ các nguồn bệnh khác nhau. Hoạt động tiêu độc, khử trùng được tiến hành trước và sau mỗi ca làm việc”, ông Võ Ngọc Lâm - Giám đốc Công ty CP - Chi nhánh Khánh Hòa cho biết.
Ở một “chốt chặn” khác, theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay có gần 60 cán bộ thú y thường xuyên “trực chiến” tại 136 cơ sở, điểm giết mổ heo trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, tuyên truyền vận động các chủ cơ sở ngưng nhập heo ngoại tỉnh là những việc mà các cán bộ thú y thực hiện mỗi ngày.
Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND tỉnh xem xét ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp bệnh dịch tả heo châu Phi, thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để triển khai kịp thời công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên địa bàn. Ngành Thú y cũng đã đề nghị trung ương hỗ trợ địa phương test nhanh để chẩn đoán bệnh dịch tả heo châu Phi và các loại vật tư, hóa chất để phòng, chống bệnh. “Song song đó, công tác kiểm tra vệ sinh thú y tại các điểm giết mổ, buôn bán thịt gia súc, gia cầm cũng được tăng cường. Cơ quan chức năng cũng giám sát chặt chẽ tại các điểm buôn bán, giết mổ, trung chuyển heo, kiên quyết xử lý những cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y”, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết.
Hồng Đăng